(Báo Quảng Ngãi)- Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, người phụ nữ Việt Nam luôn hướng tới các phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Tại Quảng Ngãi đã triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, qua đó ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thương-Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, trong 5 năm qua (2010-2015), Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Hội đã xây dựng các mô hình truyền thông và hai câu lạc bộ điểm tại phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) và xã Ba Vinh (Ba Tơ).
Chị Thắm (đầu tiên, bên trái) tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho chị em phụ nữ ở cơ sở về 4 phẩm chất của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới. |
Qua công tác tuyên truyền đã tác động sâu sắc đến nhận thức và hành động của hội viên, phụ nữ nhằm thực hiện tốt các phẩm chất người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới. Nhiều chị em ngày càng tự tin trong các lĩnh vực và khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Bên cạnh đó, các chị cũng là những người mẹ, người chị đảm đang, góp phần đặc biệt quan trọng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Chị Nguyễn Thị Thắm (52 tuổi, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa) là một trong số những tấm gương điển hình, tiêu biểu nhiều năm được các cấp hội phụ nữ khen thưởng. Chị Thắm luôn nhiệt tình trong công tác hội, tham gia tích cực, đầy đủ các phong trào của hội. Năm 2014, chị Thắm được chị em hội viên tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng phụ nữ thôn Điền Trang. Đảm nhiệm vai trò chi hội trưởng phụ nữ thôn, chị Thắm đã nỗ lực gầy dựng các phong trào và đưa chi hội trở thành đơn vị xuất sắc của huyện. Bản thân chị nhiều lần được Hội LHPN huyện Tư Nghĩa tặng bằng khen, giấy khen về thành tích trong hoạt động công tác hội và phong trào phụ nữ. Hai năm liền chị đoạt giải chi hội trưởng cơ sở giỏi do Hội LHPN huyện tổ chức. Chị Thắm luôn cố gắng tiếp thu kiến thức mới, những hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên để triển khai đến chị em ở cơ sở.
Từ các phong trào, hoạt động, các mô hình do cấp trên triển khai cũng như thôn đăng ký thực hiện đã góp phần quan trọng vào việc giúp đỡ chị em phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no. Trong đó, mô hình góp vốn xoay vòng giúp nhau làm kinh tế của chị em phụ nữ thôn Điền Trang đã đem lại những hiệu quả tích cực. "Đến nay đã thành lập 3 tổ tiết kiệm. Mỗi tổ từ 12- 24 người. Mỗi tháng mỗi chị nộp từ 100 - 200 nghìn đồng. Hàng tháng, chị nào cần tiền để mua cây, con giống hay nộp học phí cho con thì tổ cho mượn và không tính lãi", chị Thắm cho biết thêm.
Từ việc tham gia tổ tiết kiệm đã giúp nhiều chị khắc phục được những khó khăn trước mắt, ổn định và phát triển kinh tế gia đình. Chị Trần Thị Lành (39 tuổi, hội viên phụ nữ thôn Điền Trang) đã gắn bó với nghề làm bánh thuẩn nhiều năm nay. Chị Lành cho biết, để đảm bảo nguồn vốn mua bột làm bánh, chị đã quyết định tham gia 2 tổ tiết kiệm. "Với số tiền 100 - 200 nghìn đồng mỗi tháng thì không thể làm gì, nhưng khi hùn vốn với chị em trong tổ và được rút một lần thì chị em chúng tôi có thể giải quyết được những khó khăn, từng bước ổn định sản xuất, phát triển kinh tế gia đình", chị Lành phấn khởi nói.
Tại các huyện miền núi, Hội LHPN các cấp cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, giúp nhiều chị em thêm tự tin, dám nghĩ, dám làm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hội, ổn định đời sống. Chị Nguyễn Thị Chứng - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Long Mai (Minh Long) thổ lộ, để xứng đáng với tám chữ vàng do Đảng và Bác Hồ trao tặng, cũng như đáp ứng được 4 phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ trong thời kỳ mới, đòi hỏi người phụ nữ phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ; đồng thời thể hiện rõ sự tự tin, nhưng phải đảm bảo sự tự trọng. Bên cạnh đó, trong gia đình cũng như ngoài xã hội phải là người phụ nữ trung hậu, đảm đang. Chị Chứng luôn tích cực xuống cơ sở để tuyên truyền, nhằm giúp chị em hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Đặc biệt, chị Chứng luôn vận động chị em tích cực thực hiện các chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Hằng năm, các chi hội đã đăng ký xây dựng mô hình làm theo Bác như xây dựng “Ống tiết kiệm”, “Hũ gạo tình thương” tại nhà và tại máy xay xát lúa ở thôn. Kết quả, hằng năm đã giúp được nhiều chị có hoàn cảnh khó khăn. Riêng năm 2015, thông qua các mô hình đã thu được số tiền gần 4 triệu đồng và gần 300kg gạo, giúp 6 chị có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, chị Chứng còn tuyên truyền, vận động và hướng dẫn chị em mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế gia đình, nuôi con ăn học. Với những thành tích đã đạt được, chị Chứng nhiều lần được Hội LHPN tỉnh, huyện tặng bằng khen, giấy khen.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Xuân Thương cho biết, trong giai đoạn từ năm 2016-2020, Hội LHPN tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn II Đề án Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH đất nước (gọi tắt là Đề án 343), chủ yếu theo hướng chuyển đổi hành vi để phụ nữ đạt được 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; tiếp tục hướng dẫn xây dựng, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả thiết thực”.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG