Cánh chim không mỏi giữa đại ngàn

08:01, 02/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi đất nước có chiến tranh, già Đinh Văn Nuông (72 tuổi) ở thôn Làng Lòn, xã Sơn Trung (Sơn Hà) xung phong cầm súng ra chiến trường. Khi đất nước hòa bình, già lại ra sức xây dựng quê hương, hiến đất xây trường, xây nhà văn hóa.

 

Ông Đinh Văn Nuông.
Ông Đinh Văn Nuông.

Xung phong đi đánh Mỹ

Thôn Làng Lòn vốn là căn cứ cách mạng, thế nên cả làng ai cũng tham gia kháng chiến. Gia đình của già Nuông cũng thế. Từ thời cha mẹ tham gia kháng chiến chống Pháp, Mỹ đến lượt 7 anh em già cũng đi theo cách mạng. Năm 1965, anh trai cả của ông hy sinh, thế nhưng năm 1967, ông vẫn quyết đi theo cách mạng, tham gia vào đội du kích xã. Sau 5 năm tham gia đội du kích, ông nhập ngũ ở đại đội 1, Tiểu đoàn 20 của tỉnh. Cũng từ đó, ông tham gia nhiều trận đánh quy mô và ác liệt hơn. Đưa tay chỉ ra sau lưng, ông kể: “Địch nó bắn phá dữ dội lắm. Trên lưng gùi nào võng, ba lô đều bị mảnh đạn trúng rách tơi tả nhưng chúng tôi vẫn cứ bước tới”.

Vào quân ngũ được vài năm, với bản lĩnh và nhiệt huyết, ông được giao nhiệm vụ Tiểu đội trưởng rồi đến Trung đội trưởng. Ở mọi trọng trách, ông đều tận tụy và nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Cứ thế, hết trận đánh này đến trận đánh khác, ông quên bẵng mất tuổi xuân của mình, quên đi tình cảm riêng tư dù tuổi đã hơn 30. Chỉ đến khi gặp được cô Đinh Thị Lạc – người con gái Hrê, cũng là bộ đội ở đại đội 3, Tiểu đoàn 20 thì già mới chợt nghĩ về bản thân mình. Nay đã có với nhau 3 mặt con, thế mà kể về chuyện tình của mình, ông vẫn thẹn thùng lắm.
 

“Ở nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này, bà con xem “tấc đất tấc vàng” nên rất khó vận động để họ hiến một diện tích đất lớn. Chỉ có già Nuông – “cánh chim đầu đàn” trong các phong trào của địa phương mới sẵn sàng hiến hơn 1.100m2  đất mà chẳng cần vận động. Địa phương vô cùng cảm kích trước những việc làm của ông”, bà Đinh Thị Hồng - Chủ tịch UBND xã Sơn Trung, cho biết.

Hiến đất xây trường, nhà văn hóa

Vừa giải phóng, cả huyện vùng cao này nhìn đâu cũng thấy khó khăn. Song, với phẩm chất của anh "Bộ đội Cụ Hồ", ông lại ra sức xây dựng quê hương, quần quật với nương rẫy, biến những vạt đồi khô cằn thành những cánh rừng mỳ, keo xanh thẳm. Khi đã no cái bụng, ông nghĩ ngay đến cái chữ cho lớp trẻ. Thế nên, năm 2005 khi nghe có cô giáo đến “gieo chữ” ở nơi đây, chả cần ai vận động, ông xung phong hiến đất rồi huy động bà con dựng chòi tranh, nứa cho bọn trẻ có nơi học tập. Đến năm 2007, có dự án đầu tư để xây trường học kiên cố, ông lại hiến thêm 600m2 đất vườn để xây 2 phòng học, nhà vệ sinh cho các em. Ông tâm niệm: “Phải biết chữ, phải có tri thức thì mới thoát khỏi đói nghèo”.

Không chỉ xung phong hiến đất xây trường, đầu năm 2015, ông còn tiếp tục hiến hơn 500m2 đất để xây nhà văn hóa thôn. Đưa tay chỉ về ngôi trường và nhà văn hóa khang trang được xây trên khu đất cao, đắc địa nhất của thôn, ông nói: “Quê mình giờ có trường, có nhà văn hóa rồi, đời sống của bà con trong thôn được cải thiện, hiểu biết cũng nâng cao hơn nên già ưng cái bụng lắm”.

Nối tiếp truyền thống của gia đình, hiện nay người con trai duy nhất của già Nuông vinh dự được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn. Với sức trẻ, anh Chót nguyện như ông cha mình, hết lòng vì quê hương, đất nước.

Bài, ảnh: HIỀN THU

 


.