(Báo Quảng Ngãi)- Với nghề biển, một người bình thường, lành lặn đã là vất vả, nhưng với một người bị mất một chân thì sẽ khó khăn, vất vả bội phần. Song với ý chí và nghị lực phi thường của người lính, ông vẫn gắn bó với nghề biển mấy chục năm qua như những người bình thường. Ông là thương binh Bùi Ngọc Lượng (56 tuổi), ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn).
Nước da sạm nắng, dáng hao hao gầy, bởi công việc mưu sinh đầy vất vả trước sóng gió biển khơi, nhưng trong ông vẫn sáng lên nghị lực kiên cường của một người lính từng vào sinh, ra tử. Ông Lượng kể, năm 1979, từ làng biển Bình Châu ông tình nguyện xung phong đi nghĩa vụ quân sự, làm chiến sĩ tình nguyện tại chiến trường Campuchia. Ba năm ở chiến trường, trong một trận đánh, ông bị mất một chân.
Thương binh Bùi Ngọc Lượng phát biểu tại hội nghị biểu dương CCB tiêu biểu là ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc do Hội CCB tỉnh tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua. |
Rời chiến trường Campuchia, ông trở về vùng biển quê nhà vào năm 1982 bắt đầu cuộc sống mới, lúc bấy giờ, cuộc sống rất khó khăn nên ông cảm thấy bi quan, chán nản. Nhưng ký ức về chiến trường, về đồng chí, đồng đội đã hy sinh, ông quyết tâm vượt qua nghịch cảnh. “Lúc ấy, tôi dò hỏi các chủ tàu đánh bắt xa bờ ở địa phương để xin đi bạn, nhưng kết quả là những cái lắc đầu. Vì họ cho rằng, đi biển với người bình thường đã là thử thách, còn với một thương binh, mất một chân thì không thể chịu đựng nổi với công việc nặng nhọc và sóng gió biển khơi”, ông Lượng nói về những ngày khốn khó để đến với nghề biển. Nhưng rồi, cuối cùng cũng có một chủ tàu cho đi nhờ một chuyến biển xa để thử thách, và ông đã cố gắng hết sức để làm công việc của một ngư dân bình thường. Thế là chủ tàu tin tưởng cho đi bạn và ông gắn bó với nghề biển từ đó.
Ngày tháng qua đi, với ít vốn dành dụm và kinh nghiệm đánh bắt, năm 1990, vợ chồng ông sắm riêng một chiếc ghe để tự ông làm chủ tàu, kiêm thuyền trưởng. Tích cóp, dành dụm dần đến năm 2004, ông lại đóng thêm một chiếc tàu mới công suất lớn hơn. Đến nay, nhờ có phương tiện làm ăn, gia đình ông có cuộc sống ổn định, tạo việc làm cho một số lao động địa phương. Ngoài nghị lực, với ý chí quyết tâm, ở ông còn là trách nhiệm của một người lính trong việc giữ gìn chủ quyền của Tổ quốc.
Khi thành lập Nghiệp đoàn nghề cá Bình Châu, ông cũng là một trong những người đầu tiên gia nhập. Bởi với ông, một người lính Cụ Hồ thì việc gì cũng phải gương mẫu đi đầu. Với những khó khăn ngày càng gia tăng trên biển khiến nhiều ngư dân lo lắng, nhưng ông vẫn quyết tâm bám Hoàng Sa, Trường Sa và động viên anh em đoàn viên nghiệp đoàn quyết tâm bám biển giữ gìn ngư trường truyền thống của cha ông.
Bài, ảnh: X.THIÊN