(Báo Quảng Ngãi)- Nhà văn hóa (NVH) thôn, xã chưa phát huy hiệu quả do thiếu trang thiết bị và thiết chế văn hóa đi kèm… là thực trạng chung tại các huyện miền núi của tỉnh ta. Làm thế nào để quản lý và sử dụng hiệu quả NVH đang là bài toán mà các ngành chức năng đã và đang nỗ lực tháo gỡ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Việc xây dựng NVH thôn, xã tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, gắn kết tình làng nghĩa xóm và phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số NVH thôn, xã miền núi hoạt động chưa đúng mục đích, chưa thường xuyên, nội dung và hình thức chưa phong phú, chưa thu hút được mọi đối tượng tham gia.
Chưa phát huy hiệu quả của NVH
Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Gò Rin, xã Sơn Thành (Sơn Hà) thường xuyên đóng cửa, cỏ dại mọc um tùm. |
Ông Phạm Xuân Chí- Phó Phòng VHTT huyện Sơn Hà, cho rằng: Phần lớn NVH cơ sở chỉ được đầu tư xây dựng phần vỏ bên ngoài mà không đầu tư trang thiết bị vật chất bên trong. Toàn bộ bàn ghế, thiết bị âm thanh, ánh sáng phục vụ cho hoạt động văn hóa được chủ trương xã hội hóa (XHH). Tuy nhiên, việc XHH tại các huyện miền núi còn rất hạn chế, do phụ thuộc phát triển KT-XH của địa phương. Tại huyện Sơn Hà có 51 NVH cộng đồng (trên 101 thôn, xã) nhưng cả 51 NVH đều thiếu các công trình phụ như nhà vệ sinh, khu để xe…và các trang thiết bị, thiết chế văn hóa đi kèm như tủ sách báo, sân thể thao... Ngay tại thôn Làng Dầu, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), dù đã kêu gọi XHH nhiều lần, nhưng đến nay NVH thôn vẫn chỉ có phần vỏ, người dân đến sinh hoạt phải ngồi dưới nền do không có bàn ghế.
Bên cạnh đó là tình trạng thiếu cán bộ văn hóa hoặc cán bộ văn hóa không am hiểu lĩnh vực văn hóa - thể thao hoặc thiếu tâm huyết với phong trào, sự nghiệp văn hóa. Theo số liệu từ Sở VH-TT&DL, đến tháng 9 năm 2015, toàn tỉnh có 157 cán bộ công tác văn hóa - thể thao ở cấp xã. Trong đó, có 124 cán bộ văn hóa (đại học 19 người; cao đẳng 6 người; trung cấp 51 người). Do cán bộ làm công tác văn hóa cấp xã vừa thiếu, vừa yếu nên nhiều địa phương sử dụng cán bộ trái ngành hoặc chỉ dựa trên năng khiếu bẩm sinh. Rất nhiều địa phương phải giao NVH cho trưởng thôn phụ trách hoặc chưa có người quản lý dẫn đến việc bị mất cắp, hư hỏng trang thiết bị.
“Cán bộ văn hóa thiếu và yếu là nguyên nhân chính dẫn đến sự nghèo nàn, thiếu sức sống của các NVH cộng đồng. Thực tế cho thấy, địa phương nào có người phụ trách NVH năng nổ, gắn bó với phong trào thì NVH ở nơi đó luôn mở cửa, hoạt động sôi nổi, lôi cuốn người dân tham gia sinh hoạt. Ngược lại, nơi nào người phụ trách yếu thì NVH hoạt động cầm chừng và thiếu hiệu quả”, bà Huỳnh Thị Phương Hoa – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL. |
Chú trọng đào tạo nhân lực
Hằng năm, mỗi thiết chế văn hóa cấp xã tổ chức được khoảng 42 chương trình, hoạt động, như hội họp, phổ biến pháp luật, văn nghệ, thi đấu thể thao... Thiết chế văn hóa cấp thôn, tổ dân phố tổ chức khoảng 65 chương trình. Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL, các NVH cơ sở hoạt động nghèo nàn, chưa phát huy được hiệu quả, chưa cuốn hút nhân dân chỉ có thể tháo gỡ bằng việc xây dựng và gắn kết phần “hồn” với phần “vỏ” cho NVH. Trong xây dựng, kiến trúc NVH miền núi phải hài hòa, công năng phải phù hợp, gắn với bản sắc, tập quán văn hóa của từng địa phương, phải trở thành không gian linh thiêng của mỗi dân tộc. Những người làm văn hóa ở thôn, làng càng phải là người có kinh nghiệm, có chuyên môn mới có thể làm hạt nhân kêu gọi, gắn kết cộng đồng”.
Năm 2015, Sở VH-TT&DL đã tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ mà đối tượng chính là đội ngũ cán bộ chuyên trách văn hóa xã, thôn và các trưởng thôn phụ trách NVH cơ sở… Năm 2016, sẽ tiếp tục tập huấn cho đội ngũ này các kỹ năng mềm trong tổ chức, điều hành NVH. Đặc biệt là kỹ năng khai thác và phát huy nội lực của địa phương để xây dựng các CLB, tổ chức các hoạt động sôi nổi, hiệu quả. Từ đó mới kêu gọi nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị và duy trì hoạt động. Cũng theo bà Huỳnh Thị Phương Hoa - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh thì, người dân không chỉ là đối tượng hưởng thụ văn hóa mà còn đóng vai trò quyết định trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy sức sống của NVH cơ sở.
Bài, ảnh: HÀ XUYÊN