(Báo Quảng Ngãi)- Tự kỷ không phải là căn bệnh nan y, cũng không phải là rối nhiễu tâm lý không chữa được nếu trẻ được phát hiện sớm và được điều trị kịp thời.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vất vả cùng con
Chị Nguyễn Thị Xuân Thảo, ở xã Bình Mỹ (Bình Sơn) đôi mắt đỏ hoe khi kể về quá trình chữa bệnh cho cậu con trai hơn 2 tuổi. Chị Thảo cho hay: Cháu Tuấn sinh ra khoẻ mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng đến khi cháu được 17 tháng tuổi, vợ chồng nhận thấy cháu có sự khác thường, không giống với những đứa trẻ cùng lứa. Gần 2 tuổi cháu vẫn chưa biết nói, không bao giờ nhìn thẳng vào người đối diện, thờ ơ với mọi thứ xung quanh và không có phản xạ với người lạ, không ham thích đồ chơi... Anh chị đưa con đi khám khắp nơi, cuối cùng được bác sĩ kết luận cháu mắc chứng tự kỷ. Khi chị đưa con đi gửi trẻ thì phải liên tục đổi trường, vì nơi nào cũng "lắc đầu". Từ đó, chị Thảo phải nghỉ việc để ở nhà chăm con trai. Mọi chi phí cho sinh hoạt gia đình và chữa trị cho con đều nhờ vào nghề lái xe của chồng. Hiện cháu Tuấn đang điều trị ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh. “Chỉ mong con sớm hồi phục để đi học, hòa nhập với bạn bè”, chị Thảo chia sẻ.
Trẻ tự kỷ được hỗ trợ điều trị, phát triển kỹ năng tại Khoa Tâm căn tâm thần trẻ em. |
Còn chị Trần Thị Thu, ở phường Trần Phú (TP. Quảng Ngãi), mỗi tuần 3 buổi, chị và chồng thay phiên nhau đưa cháu đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh điều trị. “Gần 2 tháng điều trị tại đây cháu có sự tiến bộ rõ rệt. Cháu tập trung hơn, lễ phép và trò chuyện với ba mẹ nên dù vất vả đến mấy chúng tôi cũng kiên trì giúp cháu điều trị liên tục để sớm hồi phục”, chị Thu mong ước.
Cô Võ Thị Loan- Cử nhân tâm lý tại Bệnh viện Tâm thần cho biết: “Việc giáo dục cho trẻ tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng cần phải có sự kết hợp nhịp nhàng giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Quan trọng hơn cả là bố mẹ phải thật sự am hiểu về bệnh tự kỷ và tập cho trẻ phát triển các kỹ năng thêm trong thời gian ở nhà. Có vậy trẻ mới sớm hòa nhập với môi trường xung quanh”. |
Giúp trẻ hòa nhập
Mặc dù thành lập mới hơn 3 tháng, nhưng Khoa Tâm căn tâm thần trẻ em của Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã trở thành một mái nhà đặc biệt dành cho 45 trẻ bị chứng tự kỷ đến từ nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh. Cũng bàn, ghế, cũng giấy vẽ, màu tô nhưng lớp học ấy khác với tất cả những lớp học bình thường. Mỗi trẻ được 1 nhân viên tận tình chăm sóc, dạy dỗ theo mức độ nhận thức của các cháu. Ngoài sự hỗ trợ điều trị từ bác sĩ, các cháu còn được cán bộ chuyên ngành tâm lý áp dụng các phương pháp giáo dục phát triển các kỹ năng cần thiết cho trẻ. “Vì số trẻ đăng ký quá đông, nhưng nhân lực của khoa có hạn, nên chúng tôi chia số trẻ điều trị theo đợt trong tháng để giúp các cháu được điều trị, hỗ trợ phát triển các kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ, hành vi. Ở đây, các cháu được điều trị miễn phí. Đối với trường hợp ở xa, bệnh viện tạo điều kiện cho các cháu ở nội trú”, bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Phạm Thị Thu Trà - Trưởng Khoa Tâm căn tâm thần trẻ em, trẻ mắc chứng tự kỷ được phát hiện và can thiệp càng sớm càng tốt, tốt nhất là ở giai đoạn trước 3 tuổi. Với những trẻ tự kỷ nặng, các biện pháp can thiệp sẽ giúp trẻ ổn định tâm lý, không có những hành vi nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Bài, ảnh: KIM NGÂN