Văn hóa giao thông học đường: Chưa đi vào nền nếp

04:11, 02/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Văn hóa giao thông học đường” đã và đang trở thành "đề tài" mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Bởi một bộ phận không nhỏ học sinh đã sử dụng xe máy, xe đạp điện, đi dàn hàng ngang trên đường sau khi tan trường; phụ huynh đưa đón con bằng xe máy, xe ô tô ngang nhiên đậu dưới lòng đường trước cổng trường gây ách tắc giao thông...

 Lộn xộn nơi cổng trường

Cứ đến giờ tựu trường hay tan trường, hình ảnh học sinh THCS, THPT vội vàng dắt xe đạp, xe máy hay dắt tay nhau dàn hàng ngang tràn ra cổng trường, xuống đường không còn xa lạ đối với người đi đường. Học sinh thì vậy, còn phụ huynh ngang nhiên dựng xe trên, dưới lề đường chờ đón con em, làm nhiều đoạn đường trước các cổng trường ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, nhất là các trường đóng trên Quốc lộ hay đường trong nội thành. Một người dân tham gia giao thông qua đường Phan Chu Trinh (đoạn trước cổng Trường THCS Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi), lo ngại:  “Hằng ngày, tầm hơn 5 giờ chiều, đi làm về qua đoạn đường này luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, vì học sinh, phụ huynh đi xe đạp, xe máy chen lấn với nhau rất lộn xộn”. Tình cảnh này cũng diễn ra trước cổng Trường THCS, Tiểu học Trần Hưng Đạo; Trường THPT Trần Quốc Tuấn, Lê Trung Đình, Lê Khiết...

Tình trạng lộn xộn ở các cổng trường trong tỉnh sau giờ tan trường vẫn còn phổ biến.
Tình trạng lộn xộn ở các cổng trường trong tỉnh sau giờ tan trường vẫn còn phổ biến.


Theo báo cáo của Trường THPT Trần Kỳ Phong (Bình Sơn), trong 5 năm qua, mặc dù trường đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, giáo dục ATGT, nhưng học sinh của trường cũng để xảy ra 8 vụ tai nạn, trong đó có 3 em chết và 5 em bị thương. Thầy  Phạm Văn Bình - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết,  tai nạn giao thông xảy ra là do phụ huynh giao xe máy cho con em sử dụng còn khá nhiều, mặc dù nhà trường cấm học sinh đi xe máy. Còn việc đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm, nhưng các em vẫn không chấp hành.  

Thầy Đỗ Tấn Ngọc – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, cho biết thêm: Số lượng học sinh ở trường không giảm, nhưng số lượng xe đạp đến trường giảm đáng kể. Điều đó chứng tỏ phụ huynh cho con em đi xe máy đến trường, nhưng các em gửi xe ở các điểm giữ  xe bên ngoài trường, nhằm tránh sự kiểm tra của nhà trường. Học sinh sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi là vấn đề rất đáng lo ngại, bởi thực tế không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra, trong đó người gây tai nạn và nạn nhân đều thuộc nhóm trường hợp này.

Tăng cường tuyên truyền và xử lý

Năm học mới nào ngành GD&ĐT Quảng Ngãi cũng phối hợp với ngành Công an triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT trong các trường học.

Trên cơ sở này, nhiều trường đã linh hoạt thành lập các mô hình ATGT học đường, buộc phụ huynh, học sinh ký cam kết khuyên bảo con em mình không được đi xe  máy đến trường. Những việc làm này đã góp phần hạn chế nhất định số vụ TNGT trong học sinh. Song điều đáng lo ngại là ý  thức tham gia giao thông của một bộ phận học sinh vẫn còn hạn chế.

Thầy Bạch Ngọc Lâm – Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, cho rằng: Trường đã thành lập Đội thanh niên tình nguyện tham gia phân luồng giao thông trước cổng trường sau giờ tan trường. Đội này hoạt động khá sôi nổi, góp phần hạn chế ùn tắc, va quẹt nơi cổng trường.  Tuy nhiên, chính những em phân luồng giao thông này lại đối diện với rủi ro. Khi các em làm nhiệm vụ phải đứng giữa đường thì một số đối tượng thanh, thiếu niên lại chạy xe tông thẳng vào các em. Vì vậy, có những thời điểm trường phải tạm dừng hoạt động của đội này. Để đội này duy trì hoạt động, trường rất mong có sự hợp tác thường xuyên của lực lượng Công an.

Để hạn chế tai nạn, va quẹt, ùn tắc giao thông trước cổng trường, các ngành chức năng, phụ huynh, học sinh cần phối hợp chặt chẽ trong công tác chấp hành pháp luật về ATGT. Các trường cần triển khai thực hiện tốt 7 nội quy của Bộ GD&ĐT đề ra đối với học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông. Đồng thời, nhà trường tiếp tục phối hợp với ngành chức năng xử lý nghiêm những trường hợp học sinh không chấp hành pháp luật về ATGT.

Về phía gia đình, tùy thuộc vào độ tuổi của con em mà cần có những hướng dẫn về kỹ năng tham gia giao thông, đồng thời thường xuyên nhắc nhở, giáo dục về những tác hại, hậu quả của việc vi phạm ATGT. Nên chăng phụ huynh học sinh cũng cần ký cam kết với nhà trường về giữ trật tự ATGT khi đón con trước cổng trường. Có vậy, mới góp phần đưa “văn hóa giao thông học đường”  đi vào nền nếp.

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.