(Báo Quảng Ngãi)- Theo ông Phan Tấn Nộ - Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh (THADS), những năm gần đây, các khoản nợ tín dụng ngân hàng liên tục chiếm gần 50% số tiền thi hành án (THA) của tỉnh. Trong đó, nhiều vụ việc trở thành án trọng điểm, kéo dài nhiều năm liền.
Theo thống kê của Cục THADS tỉnh, năm 2015, có 197 vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, tương ứng với gần 229 tỷ đồng cần giải quyết. Đến thời điểm này, chỉ thực hiện được 73 vụ việc với 91 tỷ đồng đó (đạt 37% về việc và 40% về tiền). Đây là những vụ việc tồn đọng kéo dài, có tính chất phức tạp, giá trị tài sản lớn...
Nợ tiền tỷ, nhưng THA nhỏ giọt
Điển hình là vụ việc của Công ty Sản xuất - thương mại Thanh Hoa phải trả cho Ngân hàng TMCP Hàng Hải số tiền hơn 36 tỷ đồng (Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 15/2013). Số tài sản thế chấp của hợp đồng vay vốn nêu trên lên đến 12 tài sản (chủ yếu là bất động sản). Thế nhưng, đến tháng 10.2015, chấp hành viên đã kê biên 7 tài sản thế chấp và bán đấu giá thành 6 tài sản, dẫu vậy mới chỉ thu được 2,5 tỷ đồng để trả cho bên được THA.
Một tài sản thế chấp của Công ty sản xuất- thương mại Thanh Hoa tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam |
Ông Nguyễn Văn Cường - Phó Chi cục trưởng, Chi cục THADS TP. Quảng Ngãi cho biết: Dù đã kê biên, giảm giá nhiều lần với số tài sản thế chấp còn lại nhưng vẫn chưa có người mua nên vụ việc THA bị kéo dài. Hiện nay, một số tài sản có thay đổi hiện trạng so với thời điểm thế chấp cũng gây khó khăn cho quá trình xử lý. Chi cục đang tiếp tục giảm giá những tài sản đã kê biên và xác minh số tài sản còn lại để đảm bảo THA dứt điểm trong năm 2016. Tuy nhiên, cũng theo ông Cường, số tiền thu được khó đạt 50% số tiền yêu cầu THA.
Tương tự, vụ việc giữa Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Công ty TNHH TMSX Hoàng Phúc đã kéo dài từ năm 2013 đến nay, với số tiền THA gần 7 tỷ đồng. Nhưng khi xử lý tài sản thế chấp tại giai đoạn THA thì lại phát sinh tranh chấp về quyền sử dụng đất với chủ đất cũ, khiến chấp hành viên phải hoãn THA để chờ quyết định mới của cơ quan có thẩm quyền.
Vừa qua, Cục THADS tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi ký ban hành quy chế phối hợp nhằm tăng cường trách nhiệm và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác THADS liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp trong trao đổi, cung cấp thông tin; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn nghiệp vụ và giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng; kiểm tra công tác THADS liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng và phối hợp trong công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. |
Xót, nhưng khó...
Lý giải về những tồn đọng kéo dài trong THA đối với án tín dụng ngân hàng, ông Phan Tấn Nộ cho biết: Phần lớn người phải THA đều có tài sản thế chấp, nhưng việc xử lý tài sản thường gặp vướng mắc, do sau khi kê biên có tranh chấp, hoặc tài sản đưa ra đấu giá nhiều lần không có người mua. Trong khi đó, các Ngân hàng không nhận tài sản thế chấp để trừ vào tiền THA (sau khi đã giảm lần thứ 3 vẫn không có người tham gia đấu giá) vì phải chịu thuế, phí THA và các nghĩa vụ tài chính khác đối với tài sản, buộc cơ quan THA phải tiếp tục hạ giá tài sản khiến vụ việc bị kéo dài. "Chúng tôi cũng xót với những khoản nợ của các cá nhân, tổ chức được THA, nhưng thực tế khi triển khai THA thì gặp vô số điều khó!”, ông Nộ chia sẻ thêm.
Còn theo ông Cường, trong các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, người phải THA đã mất khả năng thanh toán và phải chịu xử lý tài sản thì thường cố tình chây ỳ, thay đổi hiện trạng tài sản, cản trở việc THA. Bên cạnh đó, cũng có những cán bộ ngân hàng trong quá trình thẩm định, cho vay không thực hiện đúng quy trình, quy định, không xác minh kỹ nguồn gốc, giá trị tài sản, thẩm định quá cao so với giá trị thực của tài sản…dẫn đến sau khi sự việc đổ bể buộc phải THA thì tài sản bán không đủ để thu hồi nợ.
Về phía ngân hàng, bà Lê Thị Bích Thảo - Giám đốc Eximbank, Chi nhánh Quảng Ngãi cho biết: “Từ năm 2013 đến nay, quá trình tổ chức THA, Chi cục THADS TP. Quảng Ngãi đã kê biên, xử lý 5 vụ việc và thu hồi được gần 6,5 tỷ đồng cho đơn vị. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc từ cơ sở pháp lý, thủ tục trong THA phức tạp, rườm rà, nhất là các văn bản luật, dưới luật về lĩnh vực đất đai… khiến nhiều vụ việc kéo dài”.
Bài, ảnh: Hà Xuyên