Không phân biệt giới, lựa chọn giới tính khi sinh

09:10, 13/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chủ đề của Chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) được triển khai trên địa bàn Quảng Ngãi trong tháng 10 này. Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức, kêu gọi sự chung tay của mỗi người dân, hệ thống chính trị các cấp nhằm nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của trẻ em gái, từng bước  khống chế tỷ số mất cân bằng giới tính đang ở mức cao hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao

Thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm, coi đó là một bộ phận quan trọng, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, thì vấn đề MCBGTKS ở Quảng Ngãi đang là một thách thức, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế- xã hội. Qua khảo sát, trong năm 2011 tỷ số GTKS trên địa bàn tỉnh là 117,2 bé trai/100 bé gái, vượt xa so với quy luật sinh sản tự nhiên trung bình cả nước (khoảng 110 trai/100 gái). Đến 9 tháng năm 2015, tỷ số này giảm còn 112 bé trai/100 bé gái. TP. Quảng Ngãi, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Tây, Minh Long... có tỷ số GTKS cao so với các địa phương trong tỉnh.

Cán bộ dân số xã Nghĩa An tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ cho các gia đình.
Cán bộ dân số xã Nghĩa An tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ cho các gia đình.


Theo ông Nguyễn Văn Quang- Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến MCBGTKS. Đầu tiên là tâm lý thích con trai. Cùng với đó là sự phát triển của khoa học công nghệ, các cặp vợ chồng có thể tìm đến những dịch vụ y tế có khả năng chọn lọc giới tính. Bên cạnh đó, do áp lực sinh từ 1-2 con, các cặp vợ chồng thường mong muốn nhất thiết phải có một con trai để “nối dõi”…

Tình trạng lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính trước sinh như: Trước lúc có thai (chế độ ăn uống, chọn ngày phóng noãn …); trong lúc thụ thai (chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, lọc rửa tinh trùng để chọn tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y….); hoặc sau khi đã có thai (sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối…) để lựa chọn giới tính thai nhi. Trên thực tế, hầu hết những người mẹ mang thai đến khám và siêu âm đều được người cung cấp dịch vụ siêu âm cho biết giới tính của thai nhi dưới nhiều hình thức khác nhau. Đây là hành vi vi phạm pháp luật của cả khách hàng và người cung cấp dịch vụ.

Nhiệm vụ không chỉ của ngành dân số

Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Văn Quang, cho biết,  trước tình hình gia tăng MCBGTKS, Chi cục đã tham mưu Sở Y tế, trình Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh phát động Chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo đó, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông xoay quanh thông điệp “Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi”. Chiến dịch sẽ diễn ra đến hết tháng 10 năm nay. “Gốc rễ của tình trạng MCBGTKS là vấn đề về văn hóa. Do đó, cần tuyên truyền, vận động bền bỉ để người dân thay đổi tập quán, thói quen, phong tục đã “ăn sâu bám rễ” từ bao đời nay. Để thay đổi nhận thức và hành vi coi việc sinh con trai, con gái đều có giá trị ngang nhau là việc không phải một sớm, một chiều” , ông Quang nói.

Do đó, cần phải tăng cường cung cấp thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và MCBGTKS cho người dân, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai, người có uy tín trong cộng đồng, nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên. Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai về thực hiện quy định của pháp luật, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời, đề xuất xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về lựa chọn giới tính thai nhi tại các cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, phá thai, cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại sách, báo, văn hóa phẩm thực hiện các quy định về giới và giới tính khi sinh của pháp luật.
 

Bài, ảnh: KN 


 


.