(Báo Quảng Ngãi)- Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Quảng Ngãi đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở cả đô thị cho đến các vùng nông thôn, miền núi để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội các địa phương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đi lên cùng những con đường lớn
Nếu như đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, TP. Quảng Ngãi chỉ là một đô thị loại III, với những con đường cũ có từ nhiều năm trước, hệ thống giao thông chưa hoàn thiện, thì nay đô thị trung tâm của tỉnh đã hoàn toàn “lột xác”. Một đô thị năng động đang dần hình thành và hướng về phía biển.
Đường Phan Đình Phùng nối dài hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng của tỉnh. |
Mở hướng phát triển cho thành phố xuôi về biển là Dự án đường Mỹ Trà-Mỹ Khê có chiều dài 12km, chạy dọc bờ bắc sông Trà từ cầu Trà Khúc 2 đến bãi biển Mỹ Khê. Đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh được triển khai từ cuối năm 2010, với tổng vốn lên đến gần 1.000 tỷ đồng. Sau hơn 4 năm triển khai thi công, đến nay tuyến đường đã hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng trong tháng 10 này. Còn ở bên kia con sông quê mang bao kỷ niệm của người dân xứ Quảng, một con đường mới cũng hình thành với tên gọi gần gũi, thân quen: Đường bờ nam sông Trà Khúc. Theo ông Đặng Văn Minh - Giám đốc Sở GTVT, công trình này cũng có tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, được triển khai xây dựng giữa nhiệm kỳ Đại hội XVIII. Đây là tuyến đường phố chính cấp II đô thị, chạy dọc qua các xã, phường: Nghĩa Chánh Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà, Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi). “Con đường mới đã đánh thức, mở ra hướng phát triển đô thị cho phía bờ nam sông Trà ”, ông Đặng Văn Minh cho hay.
Cùng "đi trước mở đường" còn có những công trình giao thông lớn đang triển khai thi công như tuyến đường Trì Bình-Dung Quất, cầu Trà Bồng hay Dự án đường Tịnh Phong–Cảng Dung Quất sắp được đầu tư… Nhưng có lẽ việc hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn tỉnh mới thật sự ghi đậm dấu ấn của công cuộc mở đường cho giao thông Bắc-Nam thông suốt theo phương châm "to đẹp hơn". Đi dọc Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Ngãi là một hình ảnh hoàn toàn khác lạ. Con đường được mở rộng, thảm nhựa phẳng lì vừa được sơn kẻ vạch đường, lắp đặt dải phân cách, biển báo trông khá hiện đại.
Công trình giao thông trọng điểm về đích trước 3 tháng Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia được Bộ GTVT giao cho Sở GTVT làm chủ đầu tư phần vốn Trái phiếu Chính phủ và Công ty TNHH BOT Thiên Tân – Thành An làm nhà đầu tư dự án B.O.T, với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, chiều dài khoảng 90km. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 trong những năm đến. |
“Tôi tin con đường Mỹ Trà-Mỹ Khê cộng với đường bờ nam sông Trà Khúc sẽ là đôi cánh chắp cho giấc mơ bay xa của đô thị trẻ bên dòng Trà Giang. Còn Quốc lộ 1 sẽ là đòn bẩy nâng tầm diện mạo giao thông của tỉnh. Nhưng hạnh phúc nhất là lần đầu tiên có hai công trình giao thông được tỉnh chọn làm công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Đó là vinh dự rất lớn với những người làm trong ngành giao thông. Các công trình giao thông đã mở đường cho mạch máu tương lai thông suốt, đưa Quảng Ngãi hướng đến tương lai tươi đẹp với một tỉnh công nghiệp hiện đại đang ở rất gần”, ông Đặng Văn Minh chia sẻ.
Phát triển giao thông nông thôn, miền núi
Cùng với các tuyến đường trọng điểm, những công trình giao thông nông thôn, miền núi cũng được đầu tư xây dựng đã mở hướng phát triển cho các vùng miền và góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Trong đó, tuyến Tỉnh lộ 623B đoạn TP. Quảng Ngãi – cầu Bàu Tré (xã Nghĩa Thắng) hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2014 đã mở ra cho khu tây huyện Tư Nghĩa một điểm tựa mới trong công cuộc xây dựng và phát triển. Còn tuyến Tỉnh lộ 623 đoạn Sơn Hà-Sơn Tây hoàn thành, đã "kéo" miền núi về gần đô thị hơn.
Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 7.000km đường giao thông liên xã, thôn, xóm. Để bê tông hàng nghìn kilômét đường như thế những tưởng sẽ rất khó bởi điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn. Thế nhưng bằng tinh thần, quyết tâm và sự đoàn kết từ lãnh đạo đến nhân dân đã mang lại kết quả ngoài mong đợi. Hệ thống đường giao thông nông thôn cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; tỷ lệ đường được nhựa hóa, cứng hóa có sự chuyển biển rõ rệt khi đã xây dựng mới 470km đường tỉnh, huyện, xã và đường thôn, xóm, trục chính nội đồng. Cùng với đường đó là cải tạo, nâng cấp 686,5km các loại đường; xây dựng mới 132 cầu lớn, nhỏ và cải tạo, sửa chữa 45 cầu. Chỉ trong 4 năm (từ 2010 – 2014), tổng kinh phí đầu tư cho các công trình này trên 2.164 tỷ đồng.
Diện mạo đổi thay
Quảng Ngãi đang từng ngày đổi thay. Dấu ấn của những công trình hạ tầng đã mang lại một sắc thái mới hoàn toàn khác so với 5 năm trước đây. Tuyến đường Phan Đình Phùng "bị tắc" năm nào nay đã mở thông, kéo dài áp sát huyện Tư Nghĩa kết nối với đường Trường Chinh, đưa vùng đất phía nam thành phố vốn là đồng ruộng trở thành một khu đô thị mới, hiện đại, với nhiều tiện ích. Nằm trên mặt tiền con đường mở ra hình hài đô thị phía nam thành phố là ngôi trường đại học mang tên Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Công trình được thiết kế hiện đại, gần gũi với môi trường giáo dục được xây dựng trên diện tích gần 24ha, gồm khu học tập, nhà hiệu bộ, thư viện, giảng đường, xưởng thực hành và nghiên cứu khoa học... đáp ứng nhu cầu học tập cho hơn 5 nghìn sinh viên. Ngôi trường mới được xây dựng để xứng tầm hơn với đô thị Quảng Ngãi đang từng ngày vươn lên và đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu ngày càng cao.
Tuyến đường Mỹ Trà-Mỹ Khê hoàn thành mở ra hướng phát triển cho đô thị TP. Quảng Ngãi hướng về phía biển. |
Không chỉ diện mạo khu vực trung tâm TP. Quảng Ngãi đổi thay, mà ở tất cả các địa phương đồng bằng, ven biển, miền núi, hải đảo của tỉnh đã và đang bừng lên sức sống mới. Cách đây vài năm, dọc phía bờ bắc sông Trà từ ốc đảo Ân Phú (xã Tịnh An) đến xã Tịnh Khê, là những xóm làng nằm nép mình dưới những lũy tre rậm rạp, đường sá nhỏ hẹp. Cuộc sống người dân rất khó khăn, nhất là việc đi lại, bởi chỉ có một con đường duy nhất để lên thành phố hay xuống biển là Quốc lộ 24B. Nhưng nay, con đường mới đã mở ra cho hàng nghìn người dân nơi đây một lối đi mới và hơn thế là một hướng phát triển mới.
Thong dong trên con đường xuôi về phía biển là những xóm làng trù phú, những dãy nhà cao tầng san sát chẳng khác nào phố thị. “Chúng tôi rất hạnh phúc khi mà con đường mới đã đưa toàn bộ xóm làng đổi thay. Gần 80 năm sống ở đây, chưa khi nào tôi và mọi người dám nghĩ nơi đây sẽ có con đường to đẹp mở ra. Con cháu đời sau sẽ không còn khổ cực như đời chúng tôi nữa”, cụ Nguyễn Di, xã Tịnh Long (TP. Quảng Ngãi) bày tỏ.
LÊ ĐỨC