Mở tuyến đường thủy trên hồ Đăkđrinh: Khai thác phải đi đôi với quản lý

03:09, 20/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuối năm 2013 hồ thủy điện Đăkđrinh tích nước. Mặt hồ mênh mông của công trình thủy điện cấp I này đã trở thành con đường thủy của người dân quanh vùng. Tiện lợi trong giao thương của đường thủy đã thấy rõ. Tuy nhiên, đi cùng với đó phải có sự quản lý bài bản.

Cho phép là cần thiết

Khi hồ thủy điện Đắkđrinh chặn dòng tích nước, nhiều người dân nơi đây cho rằng, từ đây họ sẽ có một con đường thủy ngắn hơn đường bộ để vào rừng, lên rẫy, đến trường. Sự háo hức ấy được “cụ thể hóa” bằng rất nhiều ghe máy, xuồng gỗ tập trung về đây mở bến. Ngay chân đập VH6 tấp nập người qua lại đi làm, đi học, đi buôn bán giữa các vùng quanh lòng hồ, trong đó có cả người dân xã Đăknen, huyện Kon Plong (Kon Tum). Gần chân đập có ô tô về vận chuyển nông sản như keo, mì, cau của người dân đi tiêu thụ và có cả người từ nơi khác đến đánh bắt cá mưu sinh... Quả thực, mặt hồ Đăkđrinh đã hình thành một con đường mở ra giao thương thực sự.

Cảnh xô bồ tại bến gần chân đập VH6 hồ thủy điện Đăkđrinh.
Cảnh xô bồ tại bến gần chân đập VH6 hồ thủy điện Đăkđrinh.


Trước sự hiện hữu tự nhiên này, tháng 7.2015, UBND tỉnh đã công bố mở luồng, tuyến đường thủy nội địa trên lòng hồ thủy điện Đăkđrinh. Theo đó, trong lòng hồ thủy điện Đăkđrinh tổng cộng có 10 tuyến đường thủy nội địa (trong đó có 4 tuyến liên quan đến địa giới hành chính của hai huyện Kon Plông và huyện Sơn Tây). Việc công bố mở luồng, tuyến đường thủy nội địa này nhằm tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa; kịp thời ngăn chặn các sự cố, tai nạn có thể xảy ra gây nguy hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Đồng thời, việc mở tuyến nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân hai tỉnh sống xung quanh lòng hồ thủy điện Đăkđrinh.

Quản lý trở thành cấp thiết

UBND tỉnh giao cho Sở GTVT tổ chức quản lý luồng, tuyến đường thủy nội địa trên lòng hồ thủy điện Đăkđinh thuộc phạm vi địa giới hành chính của tỉnh Quảng Ngãi; đồng thời giao Sở này phối hợp với Sở GTVT tỉnh Kon Tum tổ chức quản lý luồng, tuyến đường thủy nội địa trên lòng hồ thủy điện Đăkđinh liên quan đến phạm vi địa giới hành chính của 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum.

Trao đổi về việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tuyến đường thủy trên lòng hồ thủy điện Đắkđrinh, ông Đỗ Tiến Đạt – Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi cho biết, thời gian đến Sở GTVT sẽ kiểm tra thực tế để có biện pháp quản lý phù hợp theo hướng thuận tiện cho nhân dân, nhưng phải đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện trên tuyến đường thủy này. Còn về phía huyện Sơn Tây, ông Đinh Quang Ven – Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, hiện tại chưa xảy ra sự việc đáng tiếc, nhưng tuyến đường thủy này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là vào mùa mưa bão, nếu không quản lý chặt chẽ. “Huyện Sơn Tây sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường triển khai tuần tra, nhắc nhở chủ phương tiện và người tham gia giao thông trên tuyến đường này phải chấp hành nghiêm quy định về an toàn giao thông đường thủy” – ông Đinh Quang Ven cho biết.

Tuy nhiên, qua đi thực tế tại một số bến của tuyến đường thủy này dường như vẫn chưa có sự “quản lý giao thông” đúng nghĩa. Trong số phương tiện hoạt động ở đây rất nhiều phương tiện cũ, không đảm bảo an toàn. Đặc biệt, người điều khiển phương tiện hầu hết khi được hỏi về bằng cấp, họ đều cho biết chưa qua đào tạo, chưa được bất cứ cơ quan nào công nhận đủ điều kiện hành nghề. Họ chỉ “học lỏm” rồi điều khiển phương tiện...

Công an huyện Sơn Tây đã nhiều lần mời các chủ phương tiện đang hoạt động tại lòng hồ thủy điện Đăkđrinh đến đăng ký học và cấp chứng chỉ công nhận đủ điều kiện điều khiển phương tiện đường thủy. Thế nhưng, chỉ lác đác vài chủ phương tiện đến đăng ký. Công an huyện cử lực lượng xuống tận hiện trường động viên chủ phương tiện đăng ký đi học, nhưng nhiều người “thú thực” là không thể học vì không… biết chữ!.

Tuyến đường thủy trên lòng hồ Đăkđrinh mỗi ngày vẫn ngược xuôi người và phương tiện qua lại với bao tiềm ẩn rủi ro. Mọi sự chậm trễ sẽ dẫn đến mục tiêu mở tuyến đường thủy này là “đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa; kịp thời ngăn chặn các sự cố, tai nạn có thể xảy ra gây nguy hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân” khó mà đạt được!

Bài, ảnh:THANH NHỊ
 


.