Giảm nghèo bền vững bằng hỗ trợ đúng đối tượng

09:09, 07/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước việc hỗ trợ cho các hộ nghèo phát sinh bất cập ngoài mong muốn, trong những năm gần đây huyện Trà Bồng đã chú trọng đến công tác phân loại hộ nghèo, góp phần cùng Nhà nước hỗ trợ người nghèo hiệu quả, bền vững hơn.

TIN LIÊN QUAN

Giải bài toán trao “cần câu” hay “con cá”

Theo đó, các hộ nghèo sẽ được phân ra ba loại. Loại I là các hộ không có khả năng thoát nghèo, gồm hộ tàn tật, già cả neo đơn, mất hoàn toàn sức lao động... Loại II là hộ khó có khả năng thoát nghèo, gồm không có việc làm thường xuyên, thiếu đất sản xuất, lười lao động... Loại III là hộ có khả năng thoát nghèo, gồm có lao động nhưng không có việc làm, thiếu vốn sản xuất...

Huyện Trà Bồng chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm tăng thu nhập cho người nghèo.
Huyện Trà Bồng chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm tăng thu nhập cho người nghèo.


Việc xác định và phân loại đặc điểm của từng đối tượng làm cơ sở cho việc định hướng các giải pháp đầu tư cho hộ nghèo với mục đích cuối cùng là giúp họ vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững trong thời gian ngắn nhất. Mỗi hộ nghèo đều có nguyên nhân và hoàn cảnh khác nhau nên việc phân loại như vậy là hết sức cần thiết, tránh được trường hợp “cào bằng” trong việc hỗ trợ.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Trần Văn Sương - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng chia sẻ: “Là huyện miền núi, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nên để hộ nghèo thoát nghèo là chuyện không đơn giản. Việc phân loại như vậy, sẽ giúp tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ nghèo. Dựa trên cơ sở đó, chúng ta biết được họ đang cần và thiếu cái gì, rồi giúp họ tháo gỡ cái khó họ đang gặp phải. Thí dụ như hộ nghèo nằm trong diện thiếu vốn sản xuất, thì chúng ta tập trung định hướng, hỗ trợ cho họ về vay vốn lãi suất thấp. Hộ không có tay nghề thì chú trọng đào tạo nghề, định hướng cách làm kinh tế… Như vậy họ mới có điều kiện thoát nghèo bền vững. Hơn nữa, việc phân loại như vậy sẽ tránh “cào bằng” như trước kia”.

Phát huy tính hiệu quả

Về mặt khách quan, trình độ dân trí ở huyện Trà Bồng còn thấp. Tình trạng nhiều người dân muốn xin được vào danh sách hộ nghèo để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn còn diễn ra. Vì vậy việc bình xét, phân loại hộ nghèo diễn ra công khai minh bạch. Trong đó người dân đóng vai trò là chủ thể trong việc bình xét. Việc phân loại hộ nghèo là để tránh trường hợp những đối tượng thuộc diện “sức dài vai rộng” nhưng lại chây lười lao động,  ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Hồ Văn Thủy ngụ thôn 5, xã Trà Thủy cho biết: “Gia đình mình thuộc diện hộ nghèo. Nguyên nhân là do đông con, lại thiếu đất sản xuất. Trong nhiều năm qua Nhà nước chú trọng hỗ trợ cho mình vay vốn với lãi suất thấp, giúp mình có tiền để chăn nuôi bò, mang lại hiệu quả kinh tế. Các con giờ cũng đã trưởng thành. Hy vọng sang năm gia đình mình sẽ ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã”.

Bà Phan Thị Quyên -  Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Trà Bồng cho biết: “Cộng hưởng với nhiều cách làm hay khác, việc phân loại hộ nghèo đã mang lại những kết quả thiết thực. Vậy nên trong giai đoạn 2010 - 2015, huyện Trà Bồng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 56% xuống còn gần 33%. Phải nói rằng, việc phân loại hộ nghèo sẽ giúp cho những người làm công tác xóa đói giảm nghèo “loại trừ” những đối tượng có đầy đủ yếu tố để thoát nghèo nhưng lại lười lao động, sinh ra nghèo. Sẽ là phản tác dụng, nếu như chúng ta tiếp tục hỗ trợ cho những trường hợp như vậy. Về phía chúng tôi, luôn nỗ lực trong việc xây dựng các tiêu chí phân loại, xác định hộ nghèo, nhằm đảm bảo tính công bằng, không để hộ dân nào thực sự nghèo mà không được trợ lực từ những chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 


.