(Báo Quảng Ngãi)- Qua 5 năm thực hiện đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” giai đoạn 2010- 2015 (gọi tắt là Đề án 343) đã đem lại những kết quả đáng khích lệ. Chị em phụ nữ ngày càng tự tin trong công việc lẫn cuộc sống và khẳng định vị thế của mình trong xã hội.
Trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã thực hiện nhiều đề án, cuộc vận động, các phong trào thi đua và thành lập nhiều câu lạc bộ, qua đó góp phần tạo điều kiện để chị em phụ nữ nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần. Trong đó Đề án 343 được xem là đề án quan trọng góp phần giúp chị em phụ nữ hiểu rõ hơn về vai trò, vị trí của mình trong xã hội hiện đại, từ đó giúp các chị nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Xuân Thương-Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, Đề án 343 gồm có 4 tiểu đề án, trong đó tiểu đề án 1 do Hội LHPN tỉnh chủ trì, tiểu đề án 2 do Sở GD&ĐT chủ trì, tiểu đề án 3 do Sở TT&TT chủ trì, tiểu đề án 4 do Sở VH-TT&DL chủ trì. Hội LHPN tỉnh là cơ quan thường trực tham mưu Ban chỉ đạo tỉnh.
Hội LHPN tỉnh tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ hội. |
Hằng năm, các đơn vị chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện tiểu đề án. Trên cơ sở đó tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện trong hệ thống sở, ngành, tổ chức Hội LHPN. Các cấp hội phụ nữ chủ động bám vào kế hoạch tổ chức hoạt động tuyên truyền nội dung đề án, tiểu đề án 1 đến cán bộ, hội viên, phụ nữ thông qua sinh hoạt định kỳ của các chi, tổ phụ nữ, đồng thời lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức với các chương trình, dự án, các cuộc vận động, các phong trào thi đua của hội…
Ngoài ra, các cấp hội phụ nữ còn tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa thông qua việc tổ chức liên hoan hát ru và hát dân ca. Chị Lê Thị Kim Tuyết-Chủ tịch Hội LHPN huyện Minh Long cho hay: Khi triển khai các hoạt động của Hội đều lồng ghép nội dung Đề án 343. Hội đã mở lớp tập huấn cho 100% cán bộ hội tiếp cận với nội dung đề án và triển khai đến các hội viên. “Qua 5 năm thực hiện có nhiều chuyển biến đáng mừng. Các chị mạnh dạn chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống; khéo léo hơn trong ứng xử, nhất là nhận thức được vai trò và giá trị truyền thống của 4 phẩm chất đạo đức của chị em phụ nữ, đó là tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang. Từ đó các chị tự rèn luyện những đức tính trên cho phù hợp với thời kỳ mới”, chị Tuyết nhận định.
Qua công tác tuyên truyền, giáo dục các phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với hình thức tuyên truyền linh hoạt, sáng tạo của hội phụ nữ các cấp đã giúp trên 90% cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh tiếp cận nội dung của đề án. Cùng với đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền của các cơ quan truyền thông, ngành văn hóa, giáo dục, công đoàn… đã tác động tích cực đến việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, phụ nữ, học sinh nói riêng và cộng đồng, xã hội nói chung về gìn giữ những giá trị truyền thống và nâng cao ý thức học tập, rèn luyện các phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Đề án 343 vẫn còn một số hạn chế, khó khăn cần được quan tâm khắc phục. Đó là việc triển khai các tiểu đề án thiếu tính đồng bộ, chưa có sự hướng dẫn cụ thể của các Bộ, ngành Trung ương nên khó khăn trong công tác phối hợp triển khai thực hiện ở tỉnh và địa phương. Cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa coi trọng việc thực hiện đề án. Ở một số huyện như: Nghĩa Hành, Sơn Hà, Minh Long, Sơn Tây, Lý Sơn và hầu như cấp cơ sở chưa được phân bổ kinh phí để tổ chức các hoạt động triển khai tiểu đề án…
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG