(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 20 năm chung sống, nhưng rồi vợ chồng chia tay nhau. Một mình chị làm lụng nuôi hai đứa con. Năm 2011, chị đổ bệnh, tiền bạc tích cóp đã ra đi theo những toa thuốc. Nằm viện không có tiền mua máu để truyền, cô con gái học lớp 11 lấy máu truyền cho mẹ. Cậu con lớn đang học đại học năm nhất tự bươn chải kiếm tiền ăn học và gửi về cho mẹ chữa bệnh. Đó là hoàn cảnh của chị Trần Thị Thu Hà, xóm 3, thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh)…
Lấy máu cứu mẹ
Do hoàn cảnh khó khăn, ở quê không có việc làm, vợ chồng chị Hà để con ở nhà cho ông bà nội chăm sóc rồi cùng nhau vào Nam mưu sinh. Chị đi mua bán ve chai, còn chồng làm công nhân ở một xưởng làm bánh mì. Vài năm đầu cuộc sống hạnh phúc thì đến năm 2005 tình cảm vợ chồng bắt đầu rạn nứt khi chồng chị có tình cảm với người phụ nữ khác. Họ chia tay sau phán quyết của tòa. Chị giành về cho mình quyền nuôi hai đứa con.
Bé Hoa phải bỏ học ở nhà chăm sóc cho mẹ. |
Đang cần mẫn làm lụng nuôi con thì năm 2011, chị đổ bệnh và ngày càng nặng thêm. “Nhiều lúc tôi như muốn buông xuôi. Nhưng rồi, nghĩ lại ai sẽ là điểm tựa cho các con nên tôi gắng sống, gắng nhìn các con trưởng thành dù thiếu bóng dáng người cha…” – chị Hà bật khóc.
Đầu năm 2014, căn bệnh tiểu đường trở nặng và phát sinh thêm nhiều bệnh khác. Vào một đêm giông sau Tết Nguyên đán, chị thở dốc, cô con gái Lê Thị Thu Hoa bật dậy chạy ra sân kêu cứu khi thấy mẹ đang trong cơn hấp hối. Hàng xóm chạy đến người góp tiền, người kêu xe đưa chị đi viện. Sau vài ngày, số tiền đó nhanh chóng hết sạch. “Lúc đó bác sĩ bảo phải mua máu truyền gấp vì bệnh nhân thiếu máu không thể điều trị tiếp. Còn không thì tính mạng khó giữ được. Cháu nghe bác sĩ nói mà sợ lắm. Biết lấy tiền đâu mua máu lúc này. Ngồi mãi cháu mới nghĩ đến việc sao mình không lấy máu cứu mẹ” – cháu Hoa tâm sự.
Sau vài giây suy nghĩ, Hoa chạy qua phòng bác sĩ trực xin lấy máu của mình để truyền cho mẹ. Vị bác sĩ gật đầu, đợt lấy máu đầu tiên thành công và sức khỏe chị Hà đã tốt hơn. Nhưng chỉ được hai tháng bệnh lại trở nặng và cần tiếp tục truyền máu. Thương mẹ, cháu Hoa lại lén xin bác sĩ lấy máu để truyền cho mẹ. “Hai lần lấy máu, trong khi không có gì bồi dưỡng nên con bé xanh xao, mất sức rồi bỏ ngang chuyện học” – bà Trần Thị Bích Tư, hàng xóm cho hay.
Vừa học vừa làm kiếm tiền giúp gia đình
Tháng 7.2014, cậu con lớn của chị Hà trúng tuyển vào Trường Đại học Công nghệ thực phẩm TP.Hồ Chí Minh. Trong tờ giấy báo trúng tuyển đại học của Bắc ngoài thời gian nhập học còn có khoản tiền đóng học phí… Trong lúc chị Hà đang lo lắng không biết lấy tiền đâu cho con nhập học thì cháu Bắc xin mẹ được tạm ngưng chuyện học. Chị nhìn con rồi khóc nức nở. Biết chuyện, bà con hàng xóm quyên góp được hơn 4 triệu đồng để Bắc đi học.
“Cầm số tiền trên tay em vừa lo vừa mừng. Mừng vì mình sẽ được học lên đại học, nhưng lo đi rồi ai chăm mẹ, lo mai này vào TP.Hồ Chí Minh sẽ làm gì để có tiền tiếp tục bám giảng đường. Có lúc em định bỏ học, nhưng các cô chú hàng xóm động viên nên em tiếp tục học.
Những tháng ngày đầu bỡ ngỡ nhưng rồi dần dà cậu học trò nhà quê cũng quen dần và được bạn bè cùng lớp giới thiệu việc làm thêm. Từ đó Bắc một mình tự làm tự lo việc học. Không những vậy, hằng tháng ngoài tiền làm thêm trang trải việc ăn học và nộp học phí, Bắc còn dành dụm từ 100 đến 200 nghìn đồng gửi về cho mẹ mua thuốc chữa bệnh.
Gặp Bắc tại TP.HCM khi em đang phụ bán cà phê ở quận Bình Tân, em tâm sự: Dù khổ cực nhưng em sẽ cố gắng. Em biết số tiền em gửi về không đủ cho mẹ mua thuốc nhưng cũng giúp mẹ đỡ phần nào. Em lo cho sức khỏe của mẹ lắm! Em sẽ cố gắng học ra trường kiếm việc làm để nuôi mẹ. Chúng em cần có mẹ!.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC