(Báo Quảng Ngãi)- Trước đây, ở đảo Bé (xã An Bình, Lý Sơn) nơi vui vẻ và nhiều tiếng cười nhất có lẽ là ở ngôi trường duy nhất trên đảo lúc ra chơi. Còn bây giờ, hòn đảo nhỏ này luôn rộn ràng mỗi ngày với hàng trăm lượt khách ra vào. An Bình không còn xa lạ, cách trở và hiu hắt nữa. Vùng đất hoang sơ ấy đã trở thành “thiên đường” được du khách thập phương lựa chọn trong hành trình khám phá thiên nhiên của mình.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cuộc sống thanh bình
Một ngày đầu tháng 7, chiếc tàu khách đưa hơn 50 du khách từ đảo lớn sang cập cầu cảng xã đảo An Bình. Bên dưới làn nước trong xanh, một vài người đánh cá trên những chiếc thúng ven bờ. Bên trong đảo, những cây dừa cao vút khẳng khiu hiên ngang che chở những nóc nhà. Trong một góc vườn nhà rực lên sắc đỏ của một vài cây mận đang mùa quả chín. Bức tranh của một hòn đảo thanh bình là thế.
Bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp ở đảo Bé được nhiều du khách lựa chọn khi đến với Lý Sơn. |
Rời cầu cảng, lang thang trên những con đường quanh co, chúng tôi bắt gặp những người phụ nữ ngồi bên góc đường dùng dao chặt nhỏ những cành cây để làm phân bón cho mùa vụ mới; hoặc ngồi tách những con sò, con ốc mới bắt được ngoài biển chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Mùa này, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp ít ỏi ở đảo Bé đều bỏ không vì không có nước tưới. Công việc chính của người dân trên đảo mùa này là, đàn ông làm phu vạn ở cầu cảng chuyển hàng hóa và vật liệu từ đảo lớn sang; phụ nữ thì một số ở nhà lo cơm nước, một số tham gia các dịch vụ phục vụ khách du lịch ra thăm đảo.
Có một điều dễ nhận thấy đó là, trong các khu dân cư, các tuyến đường đều được bê tông. Nếu so với các xã trong đất liền, chắc chắn, xã An Bình có tỷ lệ đường bê tông nông thôn cao nhất. Cả xã chỉ có 3 KDC với dân số trên dưới 500 người và khoảng trăm nóc nhà. Các hộ dân chỉ sống tập trung ở phía nam của đảo. Cách đây 3 năm về trước, nước ngọt sinh hoạt là nỗi lo của người dân ở đảo Bé vào mùa nắng. Con bây giờ, dù nguồn nước ngọt không dồi dào nhưng đủ để người dân sinh hoạt hàng ngày. Chị Nguyễn Thị Hồng (ở KDC số 3) cho biết, mỗi nhân khẩu được cung cấp 2 m3/tháng với giá hỗ trợ là 8.000 đồng/khối. Do điều kiện khắc nghiệt, nhu cầu sử dụng nước ngọt cao, nhưng nhà máy chỉ đáp ứng một phần nên nếu ai dùng vượt quá số quy định ấy thì phải chịu giá nước rất cao, khoảng 200.000 đồng/khối.
Dù có nguồn nước sinh hoạt được cung cấp hằng ngày, nhưng gia đình nào cũng còn giữ thói quen tích trữ nguồn nước mưa. Những cái lu lớn dùng để tích trữ nước mưa của người dân trước đây giờ vẫn còn hiện diện nhưng không mấy ai dùng đến nữa, thay vào đó nhà nào cũng xây hồ âm xuống mặt đất với diện tích chừng chục mét khối. Hiện thời, tất cả các bể dự trữ nước mưa của bà con vẫn còn khá nhiều do chưa phải sử dụng đến. Theo chị Hồng thì việc trữ nước để phòng lúc nhà máy nước bị trục trặc thì vẫn có nước dùng. Bởi, nhà máy nước hay bị hư hỏng, có lúc ngừng hoạt động cả tháng trời.
Ngoài chuyện nước sinh hoạt đã tạm ổn thì ở đây còn có những tấm pin mặt trời dùng để thắp sáng vào ban đêm. Mỗi tấm pin năng lượng mặt trời đủ để thắp sáng vài bóng đèn để người dân sinh hoạt buổi tối.
Cơ hội mới
Đã không ít lần đến với đảo Bé, nhưng chuyến đi lần này đối với tôi có nhiều điều khác lạ, mang lại nhiều cảm xúc. Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được đó là lượng du khách ra thăm đảo ngày càng nhiều. Khoảng từ 8 giờ sáng đến trưa là cả đảo rất nhộn nhịp với hàng trăm du khách ra thăm đảo. Có được lượng khách lớn như vậy cũng nhờ việc qua lại giữa đảo lớn và đảo bé hiện nay rất thuận lợi, vì đã có đến 4 chiếc tàu chở khách được tư nhân đầu tư để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và du khách. Để đáp ứng nhu cầu của khách, đồng thời cũng để cạnh tranh, các chủ tàu bố trí người hướng dẫn, cho du khách mượn kính lặn, hay phao tắm miễn phí; đổi lại du khách phải trả tiền vé tàu khứ hồi với 30.000 đồng/người/lượt.
Hầu hết du khách đến với Lý Sơn sau khi thăm thú các danh lam, thắng cảnh thì còn muốn tắm biển, lặn ngắm san hô. Và khu vực ghềnh đá nằm ở phía bắc đảo Bé mà người dân địa phương gọi lã bãi Hang trở thành nơi lý tưởng nhất để du khách thoả mãn với chuyến đi của mình. Từ cầu cảng, đi bộ xuyên qua khu dân cư chừng nửa cây số là đến bãi Hang, nơi có những vực đá hoang sơ tuyệt đẹp. Hôm chúng tôi đến, nơi đây có chừng trên 100 du khách từ đất liền ra tắm biển. Một vài đôi bạn trẻ trong trang phục áo cưới cũng lặn lội ra những ghềnh đá kỳ vĩ để chụp bộ ảnh kỷ niệm cho riêng mình.
Khách ra đảo mỗi ngày một nhiều, và người dân đảo Bé đã bắt đầu làm du lịch. Khu vực quanh bãi tắm, những cái chòi bằng lá dừa đơn sơ để che nắng được dựng lên. Người ta cho thuê áo phao, kính lặn biển, dịch vụ tắm nước ngọt. Dưới những ghềnh đá, nhiều người đã tận dụng để làm nơi phục vụ du khách nghỉ ngơi và thưởng thức các món hải sản do tự mình nướng lấy...
Chị Lê Thị Hà, chủ quán tạp hóa ngay đầu cầu cảng kể: “Mấy tháng nay buôn bán khá lắm. Năm ngoái chỉ có 2 quán bán các đồ nhu yếu phẩm hàng ngày cho người dân trên đảo thì nay có đến 8 quán”. Cũng theo chị Hà, các quán mới mở đều là những ngôi nhà rộng rãi, họ cho khách ở trọ và phục vụ ăn uống theo nhu cầu của khách. Tại quán của chị Hà, ngoài các loại nước giải khát đóng chai thì giờ đây có cả nước mía, nước dừa... Một số người lớn tuổi cũng tranh thủ đưa hành và tỏi trồng được ra bán cho du khách, kiếm thêm thu nhập. Bà Trần Thị Xuân (63 tuổi) chia sẻ: Tôi sống ở đây gần cả đời rồi, trước đây buồn hiu hắt, giờ ngày nào cũng đông vui. Người dân chúng tôi cũng có thêm nguồn thu nhập từ việc phục vụ khách du lịch. Người dân đảo Bé chúng tôi giờ chỉ mong có điện quốc gia nữa là mãn nguyện rồi.
Mong muốn của bà Xuân cũng là niềm mong mỏi của cư dân đảo Bé nhiều đời nay. Trong tương lai không xa, những nét hoang sơ, kỳ vĩ của đảo Bé sẽ được tận dụng khai thác làm du lịch để người dân trên đảo có một cuộc sống khá hơn.
Bài, ảnh: XUÂN THIÊN