Nỗi niềm Phước Thiện

08:06, 30/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mấy năm gần đây, ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn) xuất hiện nhiều người chết do bệnh ung thư. Nghi vấn tác nhân gây bệnh có rất nhiều lời đồn đoán đưa ra, nhưng nguồn nước sinh hoạt vẫn là “nghi can chính”. Thế nên, nhiều giếng đào, giếng đóng trong làng chỉ dùng để tắm giặt, không một ai dám dùng để nấu ăn, uống.

Từ câu chuyện buồn

Thắp nén nhang lên bàn thờ người chồng quá cố mới qua đời hơn tháng qua, bà Tiêu Thị Ba, ở xóm 2, thôn Phước Thiện cứ nghẹn ngào. Sự ra đi đột ngột của người chồng làm cho cuộc sống của gia đình bà bị đảo lộn. Lo lắng, bi quan là những gì đang diễn ra trong gia đình bà Ba và nhiều người dân trong làng Phước Thiện do bệnh tật ập đến. Theo lời của bà Ba, ở đây số người chết vì bị ung thư nhiều lắm.

Xe nước ngọt đi bán dạo của ông Bùi Hồng Anh cung cấp cho người dân Phước Thiện mỗi ngày.
Xe nước ngọt đi bán dạo của ông Bùi Hồng Anh cung cấp cho người dân Phước Thiện mỗi ngày.


Mỗi năm phải có đến gần 10 người qua đời vì căn bệnh này. “Chưa ai dám khẳng định những người bị ung thư là do nguồn nước bị ô nhiễm. Nhưng có điều chắc chắn là nước ở đây khi cho vào bình lọc thì chỉ cần một bữa là mấy cục lọc không sử dụng được nữa, mà nó đóng cứng lại. Tuy biết nguồn nước không hợp vệ sinh, gia đình tôi cũng dùng đủ cách, nhưng làm gì phòng tránh tuyệt đối được. Vậy nên chồng tôi mới…”, bà Ba bỏ lửng câu nói làm chúng tôi nhói lòng.

Bao đời nay nguồn nước chính mà người dân Phước Thiện sử dụng cho việc ăn, uống, tắm rửa hằng ngày chủ yếu là từ giếng đào hoặc giếng khoan. Hầu hết nguồn nước từ các giếng này đều bị ô nhiễm, người dân có thể dễ dàng nhận thấy trong quá trình sử dụng. Hiện nay, thôn Phước Thiện có đến hơn 6.000 người đang phải rất vất vả đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sạch. Bà Huỳnh Thị Chín, ở khu dân cư số 10, thôn Phước Thiện, chia sẻ: Nguồn nước giếng ở đây tắm vô thì cả người mẩn ngứa, rất khó chịu, người dân mong muốn sớm có nguồn nước sạch về để dùng.
 

Theo dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số làng ung thư của Việt Nam” do Bộ TN&MT thực hiện trong phạm vi cả nước, thì Phước Thiện có nguồn nước bị ô nhiễm nhất trong số 37 “làng ung thư” của cả nước. Số trường hợp mắc bệnh ung thư ở đây có tỷ lệ tương đối cao so với các nơi khác. Hiện nay, Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) đã có kế hoạch tiến hành khảo sát nguồn nước tại đây để tìm nguyên nhân.

…đến nỗi niềm nước sinh hoạt

Những ngày nắng nóng vừa qua, những ai có dịp đến với làng biển Phước Thiện đều cảm nhận được khung cảnh nhộn nhịp của những chiếc xe kéo chở theo bồn nước phía sau đi khắp đầu làng ngõ xóm. Thoạt đầu, chúng tôi lấy làm ngạc nhiên, nhưng sau trò chuyện cùng người dân trong làng thì mới biết rằng, họ là dân buôn nước ngọt thứ thiệt. Vào những ngày nắng nóng cao điểm, nước sinh hoạt luôn là câu chuyện thời sự không chỉ riêng mỗi gia đình. Ngay từ đầu đường vào thôn Phước Thiện, chúng tôi vô cùng xúc động khi chứng kiến cảnh nhiều người, già có, trẻ có và cả trẻ em cũng xếp hàng trước ngõ chở những can nhựa lớn để chờ xin, mua nước ngọt về dùng.

 Càng đi sâu vào bên trong xóm càng hiện rõ sự khát khao nước ngọt của người dân. Những ngôi nhà cấp 4 san sát nhau chất đầy can nhựa lớn loại 20 lít. Đây là những can nước do mấy người buôn nước ngọt bỏ mối cho từng nhà. Sau vài ngày họ lại mang can có nước đến đổi. Dù vậy nhưng bà Nguyễn Thị Huệ ngày nào cũng quảy đôi thùng đi xin nước ở giếng hàng xóm về dùng. Bà Huệ chia sẻ nỗi niềm: “Nắng như đổ lửa thế này thì phải đi xin thêm nước giếng về tắm rửa chứ mua hết thì tiền đâu chịu nổi”.   

Nhưng rồi, trong vô vàn cái khó của câu chuyện nước sinh hoạt thì ở  Phước Thiện vẫn còn một cái may mà người dân nơi đây gọi là “trời thương”. Đó là cái giếng của ông Bùi Hồng Anh- nguồn nước ngọt được nhiều người dân trong thôn tin tưởng để dùng. Và cũng chính ông Anh là người khơi mào cho nghề buôn nước ngọt ở cái làng này. Năm nay ông đã bước sang tuổi 57  và có hơn 10 năm hành nghề buôn nước ngọt cho người dân trong thôn. Ông Anh tâm sự: Nói là nghề buôn nước ngọt nhưng thực ra cũng chỉ tiền đổ xăng, bù đắp một phần chi phí ngày công lao động trong ngày mà thôi.

Theo lời ông Anh thì cái giếng này rất đặc biệt, cách xa khu dân cư và đã được Viện Paster TP.Hồ Chí Minh kiểm định và có chứng nhận nguồn nước đạt tiêu chuẩn an toàn. Vì thế người dân ở đây rất yên tâm khi sử dụng. Cứ khoảng 5 giờ sáng, ông  chạy xe lên cái giếng của mình (được xây bảo vệ cẩn thận) bơm nước vào bồn chứa 500 lít rồi mang nước đi sâu vào trong xóm để bán cho người dân. Mỗi lít nước ông bán với giá 100 đồng. Mùa nắng nóng thì bán được 3 - 4 bồn mỗi ngày (tương đương 1,5 – 2 ngàn lít nước). Dù thu nhập từ nghề buôn nước ngọt không cao, chỉ hơn 100 ngàn đồng mỗi ngày, nhưng công việc cũng nhẹ nhàng, thời gian còn lại có thể làm việc khác kiếm thêm thu nhập. Trước đây chỉ mỗi một mình ông Anh làm nghề này, còn bây giờ nhiều người hành nghề buôn nước ngọt nên thu nhập của ông Anh cũng ít hơn.

Ông Võ Văn Phấn - Bí thư Đảng ủy xã Bình Hải, cho biết: “Chúng tôi không có cơ sở để khắng định nguồn nước giếng của người dân có bị ô nhiễm hay không và đã nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng đến kiểm định nguồn nước để có cơ sở xác định nguyên nhân mà người dân nghi ngờ. Trong thời gian qua, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Ngãi cũng đã đầu tư công trình nước sạch cho người dân xã Bình Hải. Tuy nhiên, vì địa bàn rộng nên đường ống dẫn nước đến thôn Phước Thiện chỉ đến đầu thôn, chúng tôi đã vận động người dân góp tiền để đầu tư thêm đường ống dẫn nước vào trong các khu dân cư để sử dụng, nhưng vì khó khăn nên cũng chưa thực hiện được”.


Bài, ảnh: X.Thiên-N.Triều


 


.