(Baoquangngai.vn)- Hiện nay, trong khi ở nhiều nơi, nhất là ở miền núi, tình trạng các công trình nước sinh hoạt sau khi đưa vào sử dụng nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, người dân phải vất vả tìm nguồn nước sạch. Tuy nhiên, ở Sơn Linh, một xã vùng cao Sơn Hà đã thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, phát huy được hiệu quả của cả 6 công trình trên địa bàn, đem lại nhiều niềm vui cho người dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Người quản lý tận tâm
Công trình nước sinh hoạt Bồ Gục, thôn Gò Da, xã Sơn Linh được xây dựng và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2012, đến nay vẫn phát huy hiệu quả. Tuy nguồn nước đầu nguồn hạn chế, phải lấy từ mạch nước ngầm nhưng người dân chưa khi nào thiếu nước để sử dụng.
Ông Đinh Ơn, 55 tuổi, là một trong những người có nhiều đóng góp cho công trình này. Từ khi công trình đưa vào sử dụng, ông được người dân trong thôn tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý.
Khác với các thôn khác trong xã, thôn Gò Da có địa hình chỗ cao, chỗ thấp nên việc quản lý công trình nước sạch Bồ Gục có phần vất vả hơn. Nhiều năm nay, từ khoảng đầu tháng 4 đến cuối tháng 6, mỗi ngày đều đặn 6 lần, ông đều trực đóng và mở van nước cho đúng thời điểm. Ông làm một cách tự nguyện, cứ 5h00 sáng mở nước đến 8h00 đóng lại, 11h30 mở đến 13h30 đóng lại và 17h00 mở đến 8h00 thì đóng lại.
Ông Đinh Ơn kiểm tra công trình nước sinh hoạt Bồ Gục. |
Thời gian được ông sắp đặt theo đúng lịch sinh hoạt, nghỉ ngơi của người dân. Mục đích là để bà con dù ở khu vực nào cũng đều có nước sạch để dùng. Nếu không, sẽ gây thiệt thòi cho bà con ở những chỗ cao. Ông chia sẻ: “Khi có công trình nước này, dân họp, bầu tui là người quản lý công trình. Ngoài việc trực đóng, mở nước, tui còn thường xuyên kiểm tra, tham gia ứng cứu, sửa chữa, bảo vệ công trình theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật và sự huy động của địa phương.
Công việc tuy vất vả nhưng mỗi tháng ông cũng chỉ nhận được khoảng 200.000 đồng từ đóng góp của bà con. Ông thật thà chia sẻ: Số tiền đó bây giờ không đủ để làm một mâm cơm đãi khách. Tui không làm việc vì tiền, tui đã làm việc bằng tất cả trách nhiệm của mình để bà con và gia đình tui đều có nước sạch để sử dụng”.
Nước sạch, dân khỏe
Không chỉ công trình nước sạch Bồ Gục, 5 công trình còn lại trong thôn như: Công trình nước sạch Làng Xinh, Xà Lang, Xóm Thác, Bồ Nú, Công trình nước sinh hoạt trung tâm cụm xã đều phát huy hiệu quả. Trong số này, có vài công trình được đầu tư cách đây hơn 10 năm.
Để đảm bảo nguồn nước sạch liên tục và quản lý tốt hơn những công trình này, từ năm 2012, xã Sơn Linh đã thành lập Ban quản lý công trình nước sinh hoạt cấp xã. Tại các thôn có công trình nước sinh hoạt đều thành lập các tổ tự quản từ 1 đến 4 thành viên tùy theo quy mô công trình. Kinh phí hoạt động của các tổ tự quản do các hộ dân đóng góp với mức thu từ 5.000-7.000 đồng/tháng.
Mô hình tự quản công trình nước sinh hoạt ở Sơn Linh đã đem đến nhiều niềm vui cho người dân, |
Thấy được lợi ích từ việc hưởng lợi các công trình nước sinh hoạt, nên bà con địa phương nhiệt tình hưởng ứng. Bà Đinh Nhị Dít, 48 tuổi, thôn Gò Da vui mừng bày tỏ: “Trước đây lấy nước ở suối vất vả lắm! Giờ mỗi tháng đóng có 5.000 thôi nhưng có nước dùng thường xuyên, ai cũng mừng”. Bà Đinh Thị Thắt, 50 tuổi, cũng ở thôn Gò Da chia sẻ: “Bây giờ nước sạch về tới tận nhà, sử dụng ổn định, không còn lo đi xin nước, cuộc sống tốt lên hẳn. Đặc biệt, các bệnh về đường tiêu hóa giảm đáng kể.”.
Khẳng định về hiệu quả công trình, ông Nguyễn Phan Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Linh cho biết: “Việc thành lập các tổ tự quản mang lại nhiều lợi ích như tăng tuổi thọ công trình, nâng cao được nhận thức người dân trong quản lý và sử dụng”. Ông Hải tự tin: “Mô hình ở xã chúng tôi được UBND huyện xem như là một xã điểm trong việc quản lý công trình nước sinh hoạt của huyện nhà”.
Theo thống kê của huyện Sơn Hà, toàn huyện có 58 công trình nước sinh hoạt, thì có đến 50% công trình hoạt động kém hiệu quả và ngừng hoạt động. Nguyên nhân chính vẫn là do công tác duy tu, bảo dưỡng công trình còn bị buông lỏng. Việc hình thành các tổ tự quản công trình nước sinh hoạt như ở xã Sơn Linh, huyện miền núi Sơn Hà là cần thiết và hiệu quả, cần được nhân rộng, tránh tình trạng công trình nhanh xuống cấp hư hỏng, lãng phí nguồn đầu tư của Nhà nước.
Bài, ảnh: Th.Hậu