Theo ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), nếu như đến hết năm 2014, cả nước có gần 64,5 triệu người tham gia BHYT (chiếm 71,6% dân số) thì đến hết tháng 3/2015, chỉ còn hơn 63,2 triệu người tham gia. Ước tính, giảm 1,2 triệu người có thẻ BHYT so với cùng kỳ năm 2013.
Đối tượng tham gia BHYT giảm nhiều nhất là nhóm người phải tự bỏ tiền mua thẻ trong các hộ gia đình với tỉ lệ giảm 15%. Điều này bắt nguồn từ việc Luật BHYT sửa đổi có quy định từ ngày 1/1/2015, những người tự bỏ tiền mua thẻ phải tham gia theo hộ gia đình.
Ông Bằng khẳng định Luật BHYT sửa đổi không làm khó người dân mà do một bộ phận người thực hiện và chính quyền địa phương chưa hiểu hết các quy định của luật. BHXH Việt Nam đã nhận được nhiều thông tin phản ánh việc mua thẻ BHYT theo hộ gia đình phức tạp, nhiều thủ tục khiến người dân bức xúc.
“Đơn cử như việc người dân phải chứng minh sự tham gia BHYT của từng thành viên gia đình bằng việc photocopy thẻ của người đã tham gia; xác minh tạm vắng đối với người đang công tác, du học, làm việc ở nước ngoài; xác nhận tạm vắng đối với người có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú tại thành phố nhưng chuyển đến nơi khác làm việc, sinh sống… Vì muốn chắc ăn nên một số địa phương đã đưa ra nhiều yêu cầu khiến nhiều người không thể tham gia BHYT được.” - ông Bằng dẫn chứng.
Đối tượng tham gia BHYT giảm nhiều nhất chủ yếu là hộ gia đình . Ảnh minh họa. |
Cân nhắc việc đóng BHYT 6 tháng 1 lần
Theo quy định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, khi mua thẻ BHYT theo hộ gia đình, người thứ nhất đóng tối đa bằng 4,5% mức lương cơ sở, người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Cụ thể, ví dụ trong một gia đình có 5 người sống tại Hà Nội thì người đầu tiên mua với giá 620.000 đồng, người thứ hai mua với giá bằng 70% người đầu, người thứ ba là 60%, người thứ tư là 50%, người thứ năm trở đi là 40%. Như vậy, hộ gia đình có 4 người, chi phí mua BHYT cả năm hơn 1,7 triệu đồng; hộ có 5 người chi phí gần 2 triệu đồng. Tuy nhiên nếu tính đầu người/tháng, mỗi một tháng người tham gia phải nộp 33.000 đồng.
Theo ông Bằng, về vấn đề này, với người nông dân 2 triệu đồng là một khoản tiền lớn do vậy thời gian tới, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ phối hợp với các ngành liên quan ban hành văn bản để hướng dẫn chi tiết thực hiện BHYT theo hộ gia đình theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, giảm thiểu các thủ tục hành chính trong kê khai danh sách theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú
Trước thực trạng này, ông Vũ Xuân Bằng cho biết, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đã cân nhắc đến việc cho người dân đóng BHYT 6 tháng 1 lần. Tuy nhiên cái khó là thẻ BHYT cấp 1 năm, nếu cho người dân đóng 6 tháng 1 lần thì 6 tháng sau, khi họ đã có thẻ rồi, làm thế nào để đảm bảo thu đủ được số tiền mà họ chưa đóng. Vì vậy, trước mắt vẫn thực hiện đóng BHYT cả năm.
"Chúng tôi cũng tính đến phương án phối hợp với chính quyền các địa phương và nếu các địa phương cam kết có thể thực hiện thu đủ được số tiền đóng BHYT nếu cho phép người dân đóng nhiều lần thì sẽ cho thực hiện”, ông Bằng nói.
Ông Bằng cũng cho hay, hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn hướng dẫn tiếp tục được mua BHYT theo cá nhân trong năm 2015 và từ 1/1/2016 sẽ thực hiện tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cũng cho biết, để hỗ trợ người dân tham gia BHYT, các thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa. Trong 1-2 tháng tới, Bộ sẽ ban hành thông tư mới, chỉnh sửa lại một số quy định.
Minh Hải/VnMedia