(Báo Quảng Ngãi)- Xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) là mảnh đất anh hùng, nơi có căn cứ cách mạng Phú Sơn và Xuân Phổ, từng hứng chịu sự oanh tạc bom đạn dữ dội của quân thù, dẫn đến trơ trụi, bạc trắng một màu của đá sỏi. Giờ đây, sau 40 năm giải phóng, vùng đất can trường này đã “thay da đổi thịt”, bạt ngàn màu xanh của cây trái, đời sống của bà con ngày càng no ấm, đầy đủ.
Ký ức những năm tháng hào hùng
Là cửa ngõ phía tây của thị xã Quảng Ngãi (nay là TP.Quảng Ngãi), nên xã Nghĩa Kỳ có vị trí chiến lược quan trọng và cũng là nơi thành lập chi bộ Đảng rất sớm của huyện Tư Nghĩa. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, quân và dân Nghĩa Kỳ đã hăng hái lên đường đấu tranh, bám trụ quê hương xây dựng căn cứ cách mạng “một tấc không đi, một ly không rời”, trực diện trước quân thù mà không hề run sợ.
Nhớ về một thời hoa lửa, cụ Lê Hữu Phước (80 tuổi), nguyên là Bí thư Đảng bộ xã Nghĩa Kỳ (1973- 1977), từng hoạt động cách mạng ở căn cứ Phú Sơn, cho biết: Những năm 1968-1971 là giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng quân và dân Phú Sơn, Xuân Phổ vẫn kiên cường đánh địch, quyết tâm giữ vững vùng giải phóng. Tham gia khá nhiều trận đánh, nhưng ông Phước nhớ nhất là trận đánh tại Gò Tràm. Theo ông Phước, đầu năm 1968, lực lượng vũ trang huyện và du kích Nghĩa Kỳ đã đánh chặn địch tại trận càn Gò Tràm ở thôn Phú Sơn làm địch bị tổn thất nặng, thiệt hại một tiểu đoàn địch, 67 tên bị thiệt mạng; đánh cháy, hỏng 9 xe tăng. Trận thắng này gây tiếng vang trong toàn huyện, giữ vững vùng giải phóng.
Người dân Xuân Phổ vui mừng đi trên những con đường bê tông rộng rãi. |
Còn ông Nguyễn Ngọc Duy (67 tuổi) ở thôn Xuân Phổ - người được phong tặng 3 danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”, “Dũng sĩ quyết thắng”, “Dũng sĩ diệt Mỹ” vẫn còn nhớ như in trận càn quét của địch vào vùng căn cứ cách mạng Xuân Phổ đầu năm 1971. Ông Duy, nhớ lại: Địch sử dụng một liên đội bảo an gồm 5 đại đội, 2 đại đội tác chiến Mỹ và 1 đại đội công binh cùng 36 xe tăng để tiến hành một trận càn lớn. Biết được âm mưu của bọn chúng, dưới sự chỉ đạo của tổ chức đảng, lực lượng du kích địa phương cùng với lực lượng công binh chế tạo mìn các loại từ vũ khí mà ta thu được của địch. Tôi được phân nhiệm vụ chỉ huy một tiểu đội tiến hành gài mìn dày đặc từ ngõ ông Chánh lên xóm chợ Két vòng lên cầu Sắt với chiều dài 2 km và bám trụ sẵn sàng đánh địch. Và trong suốt 4 ngày quần nhau với địch, lực lượng du kích đã bắn cháy 10 xe ủi và nhiều lính Mỹ bị chết và thương vong.
Góp sức xây dựng diện mạo mới
Những ngày đầu giải phóng, vùng đất Nghĩa Kỳ nói chung, thôn Phú Sơn, Xuân Phổ nói riêng hoang tàn, trơ trụi. Nhưng rồi, với ý chí quyết tâm, người dân nơi đây đã gầy dựng lại cuộc sống mới trên mảnh đất quê hương, bằng việc phục hóa, khai hoang, gỡ bom, mìn trên vùng đất “chết” để lấy đất sản xuất. Ở vùng đất Xuân Phổ, may mắn được dòng sông Trà bồi đắp một lượng phù sa mỗi khi lũ về, nên chỉ một vài năm sau giải phóng, nhờ bàn tay cần mẫn của người dân, nơi đây đã xanh ngắt một màu xanh của mía, lúa, đậu… Còn ở thôn Phú Sơn, với chất đất cát nghèo dinh dưỡng lại không có nước tưới nên dù có phục hóa, cải tạo đất vẫn cứ khô cằn, bạc màu nên sản xuất gặp nhiều khó khăn, song vẫn không khuất phục được lòng người nơi đây.
Người dân Phú Sơn phấn khởi bên ruộng lúa trĩu hạt. |
Từ năm 1992, khi nước từ công trình đại thủy nông Thạch Nham được đưa về đã tắm mát bao cánh đồng khô cằn, trơ trọi ngày nào, nên sản lượng cây trồng ngày một nâng lên… Còn núi Phú Sơn được Nhà nước đầu tư cho phủ xanh đồi trọc. Giờ đây, với diện tích đất đồi núi trên 350ha đều đã được phủ xanh bởi keo, bạch đàn... góp phần mang lại sự đổi thay rất lớn cho vùng đất này. Chị Trần Thị Lệ (45 tuổi), ở KDC 21, thôn Phú Sơn phấn khởi nói: “Thời ông bà, cha mẹ tôi cực khổ lắm! Làm quần quật mà chẳng đủ ăn. Nay thì mọi thứ đã đổi thay nhiều”. Với 15ha keo trên núi Phú Sơn cùng với chăn nuôi heo đã giúp gia đình chị Lệ có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng khấm khá hơn.
Vượt qua biết bao gian khó, Phú Sơn đã đi lên từ vùng đất trắng, còn Xuân Phổ (nay là 2 thôn Xuân Phổ Tây và Xuân Phổ Đông) ngày càng phát triển bởi người dân biết kết hợp giữa nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp với làng nghề bánh tráng. Cuộc sống người dân trong toàn xã cũng ngày một no đủ; cơ sở hạ tầng: Điện- đường- trường – trạm được đầu tư xây dựng khang trang, trong đó có sự đóng góp tích cực của người dân trong xã. Đồng chí Nguyễn Văn Khâm – Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Kỳ, cho biết: Thôn Phú Sơn và Xuân Phổ là hai vùng căn cứ cách mạng của xã. Khi hòa bình lập lại, người dân trong xã nói chung và 2 thôn này nói riêng đã nỗ lực phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày một đổi mới, xứng đáng với câu ca được lưu truyền: “Một Phú Sơn kiên trung, một Xuân Phổ anh hùng”.
H.THu-T.Hiền