Tăng cường quản lý việc khai thác nước ngầm ở Lý Sơn

10:03, 28/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Do không có nguồn nước mặt tự nhiên từ sông, suối nên hơn 20.000 người dân trên đảo Lý Sơn phải dựa vào nguồn nước ngầm để sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, do không quản lý chặt chẽ việc khoan, đào giếng nên mạnh ai nấy khoan và đào giếng khai thác nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, nên nguồn nước bị cạn kiệt, dẫn đến nguy cơ nước mặn xâm nhập và “vỡ” túi nước ngọt.

Tăng đột biến…

Đến Lý Sơn vào những ngày tháng 3 này, chúng tôi không khó nhận ra hàng trăm giếng khoan, giếng đào nằm khắp các cánh đồng và trong khu dân cư để bơm nước ngầm tưới cho cây trồng và phục vụ sinh hoạt của các gia đình. Tại mỗi giếng nước, người dân đặt máy nổ bơm nước suốt ngày. Điều đáng nói là, kể từ khi Lý Sơn có điện lưới quốc gia, số lượng giếng nước trên huyện đảo Lý Sơn tăng đột biến. Trong đó chủ yếu là người dân khoan giếng ở các khu dân cư để lấy nước phục vụ sinh hoạt...

 

Người dân Lý Sơn đào giếng lấy nước phục vụ sản xuất.
Người dân Lý Sơn đào giếng lấy nước phục vụ sản xuất.

Ông Lê Mỹ Liên-Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết: Cách đây một năm, huyện Lý Sơn chỉ có khoảng 546 giếng nước, trong đó 132 giếng khoan, 414 giếng đào. Thế nhưng, chỉ sau vài tháng có điện, trên địa bàn huyện đã có 913 giếng khoan. Con số này tăng quá mức, với trữ lượng khai thác 1.800m3/h, tương ứng 22.000m3/ngày.
 
Kết quả điều tra cho thấy, trữ lượng nước ngầm của huyện đảo Lý Sơn khoảng 26.300 m3, nhưng nay đã khai thác khoảng 22.000m3. Với số lượng giếng khoan ở khu dân cư dày đặc như thế này thì nguồn nước sẽ nhanh cạn kiệt. “Lý Sơn là huyện đảo, xung quanh là biển nên dễ xảy ra nhiễm nước mặn. Và một khi túi nước ngọt bị vỡ thì hệ lụy thật khôn lường. Thấy trước nguy cơ đó, chúng tôi đã khuyến cáo người dân chỉ được phép khoan giếng ở độ sâu 40m trở lại. Để tránh nguy cơ túi nước ngọt ở đảo lớn bị vỡ thì phải tăng cường công tác quản lý việc khoan, đào giếng lấy nước. Trước mắt, chỉ những hộ gia đình nào được sự đồng ý của chính quyền địa phương thì mới được khoan, đào giếng lấy nước”, ông Liên nhấn mạnh.

Cần có giải pháp căn cơ

Ông Nguyễn Trí Thanh-Phó Chủ tịch UBND xã An Hải cho rằng, trước khi có điện, người dân cũng có khoan giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, kể từ khi có điện, thực hiện ý kiến chỉ đạo của huyện, xã đã tăng cường công tác quản lý việc khoan, đào giếng lấy nước của người dân nên hạn chế tình trạng khoan, đào giếng trái phép. Xã vận động người dân ở các khu dân cư dùng chung giếng nước và dùng nước một cách tiết kiệm để tránh nước mặn xâm nhập. Bên cạnh đó, xã vận động nhân dân bảo vệ cây xanh bản địa như cây cám, bàng vuông để giữ nước…

Nói về giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ vỡ túi nước ngọt trên huyện đảo, ông Trần Ngọc Nguyên-Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Để bảo vệ túi nước ngọt trước nguy cơ nước mặn xâm nhập, huyện vận động, hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước. Đồng thời tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng khoan, đào giếng trái phép cũng như ngăn chặn việc khai thác nguồn nước ngầm quá mức.

Để làm được việc này, UBND huyện chỉ đạo Phòng TN&MT quản lý việc khai thác nguồn nước. “Từ nay trở đi, tất cả các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nếu được Sở TNMT cấp phép khai thác nguồn nước thì huyện mới cho khai thác. Huyện cũng đang chỉ đạo UBND các xã, Phòng TNMT tăng cường kiểm tra, hạn chế thấp nhất tình trạng khoan, đóng giếng khai thác nước trái phép”, ông Nguyên khẳng định.

Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm ở Lý Sơn, các chuyên gia khuyến cáo: Nếu chính quyền và người dân không sớm có biện pháp quản lý, bảo vệ và khai thác nước tiết kiệm thì, chỉ vài năm nữa, túi nước ngọt ở Lý Sơn sẽ “vỡ”, dẫn đến nước biển xâm nhập, gây nhiễm mặn.
 
Bài, ảnh: Bá Sơn
 

.