Đất lửa Phổ Cường hồi sinh

08:03, 25/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phổ Cường (Đức Phổ) dải đất hẹp vốn nổi tiếng khắc nghiệt do thiên nhiên và cũng là nơi gánh chịu hậu quả nặng nề trong chiến tranh. Như một cơ thể mang đầy thương tích, sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phổ Cường đã vượt qua bao khó khăn, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới.

Đất cằn nuôi những ước mơ

Phổ Cường nằm dọc Quốc lộ 1. Diện tích đất đa phần khô cằn, nơi nhiễm chua phèn. Phổ Cường nằm dưới các chân núi tiếp giáp với dãy Trường Sơn hùng vĩ. Đây là địa thế khá thuận lợi cho quân ta hoạt động trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.  Vì vậy, Mỹ - ngụy đã xem Phổ Cường là “dấu chấm đỏ” trong bản đồ để tập trung lực lượng, đàn áp, khủng bố dân, bắt bớ cán bộ, dội bom mìn hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng. Vùng đất này hoang tàn trong chiến tranh là do vậy.

Nhà truyền thống thôn Xuân Thành xây dựng từ nguồn đóng góp của  người dân.
Nhà truyền thống thôn Xuân Thành xây dựng từ nguồn đóng góp của người dân.


Địa hình Phổ Cường rất khắc nghiệt trong sản xuất. Phía tây đất khô cằn, phía đông thì đầm lầy. Có những câu ca mà người xưa đúc kết về vùng đất này: “Giàu chi ba chéo ruộng đầm/Nắng lên thì háp, mưa dầm mất ăn”. Hay “Ngó lên núi Bé chim kêu/Hố Giang nước chảy, nhiều điều đắng cay”... Lời người xưa như nhắc nhở bà con trong vùng phải sáng tạo trong sản xuất ở vùng đất khó này. Gia đình ông Lê Hự ở thôn Mỹ Trang được cả xã khâm phục cũng từ cách khắc phục khó khăn trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Vợ chồng ông Hự có 5 người con. Để có đủ gạo ăn, trên một mẫu ruộng bấp bênh nước tưới, vợ chồng ông chủ động đào ao tạo nguồn nước. Mùa khô hạn ông trồng các loại hoa màu chịu hạn... Ở vườn nhà thì ông nuôi heo, bò, gà. Ông Hự bộc bạch: “Vợ chồng lúc nào cũng đầu tắt mặt tối. Mùa tháng ba là nhọc nhất, bởi vừa thu hoạch lúa, hoa màu, vừa tích trữ lương thực cho bò trong mùa mưa. Có những hôm mặt trời xuống núi, trăng lên một mình tôi vẫn còn tất bật ngoài đồng. Bà con thấy thế khuyên cho con nghỉ học để cùng làm... Nhưng nghĩ đời mình cực khổ, giờ cho con nghỉ học thì nó cũng khổ cả đời như mình”.

Thương bố mẹ, các con ông chăm chỉ học hành. Khi người con trai đầu đậu đại học ra trường có việc làm thì cùng gánh vác với bố mẹ nuôi các em. Nhờ nguồn tiền biết đầu tư đúng cách, vợ chồng ông Hự đã lần lượt đưa 5 người con bước vào giảng đường đại học. Giờ đây người đã làm bác sĩ, kỹ sư, giám đốc của các công ty lớn. Hằng tháng,  vợ chồng ông bà nhận được 10 triệu đồng từ các con gửi về để lo tuổi già, là niềm mơ ước của nhiều người trong làng. Cuộc sống khá giả, bà con thường đến chia vui và xem vợ chồng ông Hự như tấm gương để khuyên bảo con cháu học hành.

Ông Lê Đức Thiện – Chủ tịch UBND xã Phổ Cường cho biết: “Vùng đất này khắc nghiệt, nên nhiều gia đình ly hương vào Nam làm đủ nghề để nuôi con ăn học. Người cho con học nghề, học chữ để nuôi sống bản thân và góp phần xây dựng quê hương”. Bây giờ, trên quê hương Phổ Cường nhà nhà xây dựng theo kiểu mới, ba gian khá khang trang cũng nhờ từ những người làm ăn phương xa, học hành thành đạt.
 

Huy động 65 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới.

 Trong những năm qua, những người con làm ăn thành đạt ở xã Phổ Cường đã đóng góp 65 tỷ đồng góp phần cùng với xã xây dựng 7 nhà văn hóa thôn, 22/40 nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ 8 máy gặt đập liên hợp; xây dựng mới và sửa chữa trên 300 nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ 41 công trình khí sinh học tại hộ gia đình.

Cả xã góp tiền xây nhà truyền thống

Những người con của Phổ Cường thành đạt luôn nhớ về quê nhà, về cội nguồn. Họ tích cực làm ăn, chăm sóc cha mẹ già, góp sức xây dựng nhà truyền thống, đường giao thông nông thôn...

Trong những ngày tháng 3 lịch sử này, về Phổ Cường sẽ được đi trên những con đường bê tông thẳng tắp. Ông Ngô Minh Quang – Chủ tịch UBMTTQVN xã tự hào giới thiệu những ngôi nhà hiện đại, nhà xây kiểu biệt thự mini của những gia đình có con làm ăn thành đạt. Qua mỗi khu dân cư ông lại giới thiệu những nhà truyền thống, nhà sinh hoạt cộng đồng do dân đóng góp xây dựng.

Ngôi nhà truyền thống thôn Xuân Thành được xây dựng theo kiến trúc đình chùa, có tường rào, cổng ngõ. Bên trong khá rộng được bố trí ba gian thờ phụng. Gian giữa thờ Bác Hồ, phía tây thờ những liệt sĩ trong thôn, phía nam thờ những bậc tiền hiền khai khẩn vùng đất này. Ông Trần Hà – Trưởng thông Xuân Thành bộc bạch: “Ngôi nhà truyền thống này xây dựng từ ước nguyện của dân trong vùng. Để mỗi người con đi xa đều nhớ quê hương, tổ tông, nhớ những người ngã xuống vì hòa bình mà ra sức phấn đấu làm ăn”. Trên vách tường nhà truyền thống có treo cả tên tuổi của những người đóng góp. Có hộ góp 100.000 đồng, có hộ góp đến 25 triệu đồng. Theo ông Hà thì tổng số tiền xây dựng nhà truyền thống trên 720 triệu đồng, do dân trong thôn và con em thành đạt làm ăn xa đóng góp.

Không chỉ thôn Xuân Thành mà toàn xã Phổ Cường có 7 thôn thì từ năm 2009 đến nay mỗi thôn đều xây dựng nhà truyền thống. Ông Trần Nguyên Giang – Bí Thư Đảng ủy xã Phổ Cường cho biết: “Xây dựng nhà truyền thống vì vùng đất Phổ Cường chịu quá nhiều đau thương. Hầu như gia đình nào cũng có người thân là thương binh hay liệt sĩ. Mỗi nhà truyền thống dựng lên trên mảnh đất gắn liền với sự kiện lịch sử diễn ra ở thôn, hay nguồn gốc của bậc tiền hiền khai khẩn vùng đất nhằm khắc ghi trong lòng các thế hệ về giá trị hòa bình, cuộc sống no ấm, sung túc hôm nay mà ra sức học tập, xây dựng quê hương”.

Cứ vào mỗi dịp lễ, Tết trong mỗi ngôi nhà truyền thống đầy ắp khói hương, trong những ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng rộn ràng tiếng hát. Người dân trong thôn, xã chia sẻ cho nhau về kinh nghiệm làm ăn cũng như truyền đạt chủ trương chính sách mới của Đảng và Nhà nước đến người dân kịp thời…

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.