Chắp cánh ước mơ cho con

09:12, 24/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong suốt 6 năm qua, bất kể nắng mưa, hằng ngày người dân ở thôn La Hà 1, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa), luôn thấy bóng dáng một người cha gầy còm, ốm yếu cõng trên vai đứa con trai tật nguyền của mình đều đặn đến trường.

Một hình ảnh đẹp về tình yêu thương của ông Lương Bá Huynh dành cho đứa con trai bị liệt bẩm sinh, nhưng với ý chí và lòng hiếu học, Lương Bá Hiệp (12 tuổi), học sinh lớp 6D Trường THCS Nghĩa Thương khiến nhiều người nể phục.

“Cõng” ước mơ cho con

Gặp cha con ông Huynh trước cổng Trường THCS Nghĩa Thương trong một buổi chiều lất phất mưa, chúng tôi không khỏi xúc động trước cảnh một người cha có thân hình nhỏ nhắn, cõng trên vai đứa con trai tật nguyền của mình đến lớp. Cơn mưa chiều tuy nhỏ nhưng cũng đủ làm những bước chân của ông trở nên trĩu nặng hơn.

Ước mơ đến trường được người cha dành cho con.
Ước mơ đến trường được người cha dành cho con.


Ông Huynh nhớ lại, năm 2002, Hiệp ra đời trong sự vui mừng khôn xiết của gia đình. Nhưng niềm vui ấy đã nhanh chóng biến thành nỗi lo khi bác sĩ cho biết Hiệp bị liệt tứ chi bẩm sinh, khó có khả năng chữa trị. Sau nhiều năm trời ôm con rong ruổi khắp các bệnh viện lớn với hy vọng chữa bớt bệnh cho con. Nhưng bao nhiêu tiền bạc vay mượn được và những đồ đạc đáng giá trong nhà cứ lần lượt “đội nón ra đi”, nhưng rồi ông chỉ nhận được cái lắc đầu của bác sĩ.

Ngày ngày trôi qua, Hiệp lớn lên trong ngôi nhà nhỏ nằm giữa cánh đồng. Lên 6 tuổi, ngồi trên chiếc xe lăn trước hiên nhà, thấy chúng bạn cùng trang lứa xúng xính quần áo mới đến trường, Hiệp nằng nặc đòi ba mẹ cho đi học.“Thấy con đòi đi học, vợ chồng tôi nghĩ con chỉ đòi thế thôi, chứ lúc đó con không thể cầm nắm một vật gì được thì làm sao cầm bút?”, bà Cường (mẹ Hiệp) nhớ lại.

 Những ngày sau đó, cậu bé tật nguyền lủi thủi một mình trong góc nhà, với đôi tay co rúm nhưng cố tập cầm chiếc bút chì vẽ những nét nguệch ngoạc vào những tờ giấy nháp bỏ đi của chị gái và dán chúng lên trên “góc học tập” của riêng mình. Thấy con thích đi học quá nên ông Huynh đã “đánh liều” lên trường mẫu giáo trong thôn để xin cho con đi học. Kể từ đó, đều đặn mỗi ngày, trên đôi vai của người cha nghèo đã tiếp thêm ước mơ cháy bỏng được đến trường của cậu học trò khuyết tật.

Nghị lực phi thường

Sau khi được nhận vào lớp mẫu giáo cùng các bạn, mỗi buổi đến lớp về, không ai nhắc nhở nhưng Hiệp vẫn cặm cụi tập viết, tập vẽ mà quên luôn những chương trình hoạt hình yêu thích trên tivi. Khi lên tiểu học, vì khoảng cách từ nhà đến trường hơn 4 cây số nên ông Huynh không thể cõng con đi bộ được nữa, một chiếc xe đạp cà tàng lót phía sau một cái gối được ông “cải tiến” làm phương tiện đưa con đi học. Ông Huynh kể, có bữa đi giữa đường xe bị hư nên trễ giờ học, Hiệp khóc mãi và giận cả ngày hôm đó. “Không bao giờ nó chịu bỏ một buổi học nào, dù trời nắng hay mưa. Hôm đám cưới chị cả nó mà tôi cũng phải chở nó đến trường học, chứ không là nó không chịu”, ông Huynh kể.

Như để trả công cho sự nhọc nhằn của cha và sự tảo tần của mẹ, liên tục 6 năm liền Hiệp đều nhận được phần thưởng của trường, trong đó một năm em là học sinh giỏi và 5 năm là học sinh tiên tiến. Với bạn bè trong trường, Hiệp luôn là một tấm gương sáng về lòng ham học và nghị lực phi thường. Cô Lê Thị Sang, giáo viên chủ nhiệm em Hiệp cho biết “Hiệp là một học sinh có tố chất thông minh và đặc biệt là rất ham học, trong lớp em thường xuyên tham gia xây dựng bài, được các bạn trong lớp thương yêu quý mến”.

Khi chúng tôi hỏi Hiệp về ước mơ của em, hai hàng nước mắt của cha mẹ em không ngừng chảy khi nghe những câu nói ngây thơ từ cậu con trai bất hạnh. “Cháu muốn học thật giỏi để sau này làm công an”, Hiệp nói. Có lẽ trong tiềm thức của một cậu bé 12 tuổi bị tật nguyền, ước mơ trên vẫn còn có thể thực hiện được. Chúng tôi rời ngôi nhà với một sự ngưỡng mộ trong lòng về một người cha tuy lam lũ, nhưng vẫn hết lòng vì con và một cậu học trò khuyết tật nhưng có ý chí và lòng ham học hơn người.
      

Bài, ảnh: LÊ DANH
 


.