(Báo Quảng Ngãi)- Khoảng thời gian vài ba năm chỉ đủ để làm mờ đi những lằn roi trên cơ thể đứa trẻ bị ngược đãi. Điều đau lòng là dẫu các em luôn cố gắng vượt qua ký ức đáng sợ, giấu đi sự tủi thân hằn sâu trong tâm khảm, thì những “vết sẹo” tinh thần, nỗi đau bạo hành vẫn còn ám ảnh trên khuôn mặt trẻ thơ.
Bạo hành ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, nhất là đối với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em- nạn nhân trực tiếp hoặc chứng kiến cảnh bạo lực gia đình. Dù mỗi em một hoàn cảnh, số phận khác nhau thì những nạn nhân của bạo hành gia đình rất cần sự chung sức của cả xã hội để góp phần xoa dịu nỗi đau, giúp các em phát triển nhân cách đúng hướng.
Tháng 9.2013, Tòa án Nhân dân huyện Tư Nghĩa đã mở phiên tòa lưu động xét xử ông Th vì hành vi ngược đãi con ruột. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 18 tháng tù giam đối với người cha tàn bạo này. Trước đó, vào tháng 6.2012, Tòa án Nhân dân huyện Nghĩa Hành đã mở phiên tòa lưu động xét xử vụ án vợ chồng ông N.M hành hạ dã man con nuôi là bé N.T.P. Tổng cộng hình phạt đối với hai vợ chồng là 36 tháng tù giam vì những hành vi tàn bạo, ngược đãi bé P. |
Nỗi đau dai dẳng...
Có khách đến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (Trung tâm), cô bé N.T.P nhanh nhẹn lấy ghế mời ngồi. P. hiện đang học lớp 6, Trường THCS Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi). P. khoe năm vừa rồi em đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nhìn cô bé có đôi mắt tròn đen láy, xinh xắn, ai cũng xót xa bởi vì trước đó P. từng là nạn nhân của những vụ ngược đãi. Tuổi thơ em đã phải trải qua những ngày bị nhốt trong chuồng gà, phơi nắng... Chưa dừng lại ở đó, những người mang danh nghĩa cha mẹ nuôi đã đánh đập không thương tiếc, đến nỗi thân thể em bị bầm dập, phù nề, mắt bầm tím, gãy răng... Sự việc chỉ kết thúc khi hàng xóm, chính quyền địa phương can thiệp.
Những kẻ đánh đập tàn bạo bé P. chịu sự trừng phạt của pháp luật, còn P. được chuyển về Trung tâm. Chị Hà (người phụ trách chăm sóc bé P.) cho hay, những ngày đầu mới vô Trung tâm, tinh thần P. lúc nào cũng hoảng loạn, xa lánh tất cả mọi người. P. luôn khóa chặt cửa phòng rồi hất tung quần áo, sách vở của các bạn. Lúc ấy P. chỉ là con bé “da bọc xương” nhưng chẳng hiểu sao có thể trèo được lên đầu tủ ngồi trên đó. Các chị ở Trung tâm phải mất một thời gian dài từ từ xoa dịu những vết đau mà P. từng trải qua.
Điều may mắn là đến nay với sự nỗ lực của mọi người đã giúp P. ổn định tinh thần, hòa nhập với cuộc sống. Thế nhưng, có lẽ bởi sang chấn tinh thần quá lớn, ám ảnh về những lần bạo hành khiến P. vẫn còn e ngại khi tiếp xúc với người lạ. Bà Cao Thị Tuyết Sa trăn trở: “Những đứa trẻ từng bị bạo hành rất nhạy cảm, dễ gục ngã nếu không may gặp những cú sốc khác trong cuộc sống. So với những đứa trẻ khác ở tại Trung tâm thì P. còn thiệt thòi hơn khi không có gia đình để quay về. Về lâu dài, P. được tạo điều kiện tiếp tục học, hỗ trợ đào tạo nghề để ổn định cuộc sống sau này”.
Và những bữa cơm... đắng
Bao năm nay mẹ con em T.T ở xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) chưa hề có bữa cơm nào quây quần đúng nghĩa như những gia đình khác. Mâm cơm dọn ra phải vội vàng bưng xuống khi người chồng, người cha cứ trút những trận đánh, chửi mắng vô lý vào vợ con. Nước mắt ba mẹ con lăn dài, nấc nghẹn trong những chén cơm đắng sau nhà. Nỗi đau bị bạo hành cứ ám ảnh mãi em T.T khi những vết sẹo trên thân thể chưa lành đã phải gánh chịu những trận đòn khác.
Buổi chiều mưa, chúng tôi cùng trò chuyện với chị P.T.L (mẹ em T.T) trong ngôi nhà của người hàng xóm. Bởi chỉ cần biết có người hỏi thăm, thậm chí nhiều lúc không cần lý do gì, ông Th (cha em T.T) tàn nhẫn dùng bất cứ thứ gì vơ được để đánh chị. Đôi mắt đỏ hoe, chị P.T.L nói như khóc: “Năm 2013 ông Th đi tù vì đánh đập tàn bạo T.T khiến cháu bị thương tích nặng, tinh thần hoảng loạn.
Trước đó, những trận đòn roi tàn nhẫn khiến chị phải ly dị, cùng đứa con gái tha phương vào miền Nam kiếm sống. Ông Th giành nuôi em T.T. Thay vì nuôi dưỡng, ông Th lại thường xuyên đánh đập con mình không thương tiếc. Chị cùng đứa con gái lớn vội trở về quê, ba mẹ con đùm bọc lẫn nhau. Chị gái của T.T đã phải 8 lần chuyển trường, học sút hẳn đi. Còn đối với T.T, mỗi lần có ai vô tình nhắc đến trận đòn roi kinh hoàng ấy là em co rúm người lại vì sợ.
Cô giáo Võ Thị Xuân Linh (chủ nhiệm lớp em T.T) lo lắng: “Trong thời gian cha thụ án, không phải gánh những trận đòn roi, T.T tươi tắn lên trông thấy. Nhìn T.T cùng bạn bè biểu diễn văn nghệ trong trường, ai cũng thương. T.T luôn cố gắng học giỏi, được thầy cô, bạn bè quý mến. Ấy vậy mà từ ngày cha mãn hạn tù về, em T.T phải sống trong cảnh thấp tha thấp thỏm lo sợ, học hành sút đi rất nhiều. Em rụt rè hẳn đi, da dẻ xanh xao...”. Vì chỉ chục ngày sau kể từ lúc hết thời gian chấp hành án phạt tù, ông Th đã vô cớ đánh chị L đến nỗi ngất xỉu, phải nhập viện may 5 mũi.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, im lặng rất lâu, T.T cứ ngập ngừng mãi rồi quay mặt đi cố giấu những giọt nước mắt. Có lẽ với T.T, điều ước nhỏ nhoi của em bây giờ chỉ là những bữa cơm gia đình đầm ấm, vui vẻ, cha không còn nặng tay với mẹ con em nữa... Chị Lê Thị Mỹ Nương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Điền cho biết, về pháp lý, chị P.T.L đã ly dị với ông Th. Phía Hội Phụ nữ đã cử người cùng với nhà trường, chính quyền thôn luôn theo dõi nhằm ngăn ngừa và can thiệp kịp thời tình huống nguy hiểm có thể xảy ra đối với chị và các con. Hướng giải quyết lâu dài cần có phương án ngăn chặn tình trạng bạo hành tái phát, góp phần ổn định cuộc sống, nhất là để hai chị em T.T yên tâm học hành.
BẢO HÒA