(Báo Quảng Ngãi)- Nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc ở các huyện miền núi đã dẫn đến nhiều hậu quả đau lòng, ảnh hưởng nhiều đến tình hình an ninh trật tự. Huyện Tây Trà đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để xóa bỏ hủ tục này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thiếu tá Huỳnh Tấn Vũ-Phó trưởng Công an huyện Tây Trà cho biết: Từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 12 vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây hoang mang trong cộng đồng dân cư. Nguyên nhân chính là do điều kiện kinh tế-xã hội ở những nơi thường xảy ra tệ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc chậm phát triển; điều kiện đi lại, sinh hoạt còn khó khăn; các cơ sở y tế chưa đáp ứng được cho người dân. Mặt khác, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số ở những nơi này còn hạn chế. Những mâu thuẫn phát sinh trong đời sống chưa được phát hiện kịp thời, giải quyết dứt điểm nên các đối tượng xấu lợi dụng.
Công an huyện thường xuyên xuống cơ sở họp dân giải quyết nghi kỵ cầm đồ thuốc độc. Ảnh TL |
Để đẩy lùi tệ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, Công an huyện Tây Trà đã tham mưu cho Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động nhân dân xóa bỏ tệ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc. Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu tệ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc là một hủ tục mê tín, dị đoan... cần phải được xoá bỏ.
Công an huyện tăng cường cán bộ, chiến sĩ bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình địa bàn; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể, vận động già làng, người có uy tín tuyên truyền, giải thích; đồng thời hòa giải kịp thời các mâu thuẫn trong nhân dân; thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đối với các vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc xảy ra, Công an huyện phân công cán bộ tập trung xác minh làm rõ nguyên nhân; nhanh chóng có biện pháp bảo vệ người bị nghi không để nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời xác định tính chất, mức độ, hậu quả của vụ việc để có cơ sở tham mưu đề xuất hướng chỉ đạo giải quyết triệt để, không để kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong công tác giải quyết các vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, Công an huyện phối hợp với các ngành đoàn thể ở cơ sở, nhất là coi trọng công tác vận động già làng, người có uy tín tham gia. Điển hình là vụ việc tại thôn Tà Ken, xã Trà Xinh. Người bị nghi là bà Quý, ở thôn Tà Ken. Bà Quý phát hiện bà Kiều (là em ruột mình) có quan hệ tình cảm với ông Thiên, ở thôn Tà Veo, xã Trà Xinh nên khuyên nhủ bà Kiều chấm dứt mối quan hệ này. Thế nhưng, bà Kiều không nghe mà còn gây mâu thuẫn với bà Quý và trong một lần uống rượu đã nói bà Quý có đồ độc. Nhận thông tin, Công an huyện Tây Trà kịp thời phối hợp với các già làng giải thích để mọi người hiểu và không còn gây nghi ngờ.
Một trường hợp khác là bà Hồ Thị Lệ, ở xã Trà Nham về làm dâu ở nhà bà Hồ Thị Út, ở thôn Trà Niêu (Trà Phong). Cả hai thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Bà Lệ và các con thường hay đau ốm, nghi mẹ mình có đồ độc nên không đưa các con đến bệnh viện điều trị mà mời thầy cúng về cúng. Trong lúc này, ông Hồ Duy Khánh và Hồ Văn Út có tiếp xúc với bà Hồ Thị Út và cũng bị ốm nên mối nghi ngờ bà Út có đồ độc càng tăng lên. Qua gặp gỡ bà Hồ Thị Lệ, Công an huyện khuyên đưa các con đi khám bệnh và tuyên truyền giải thích cho mọi người hiểu. Từ đó, giữa mẹ chồng và nàng dâu không còn xích mích nữa. Người dân ở địa phương nơi bà Lệ và bà Út sinh sống cũng đã nhận ra nguy hại của tệ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc.
VĂN TRA