(Báo Quảng Ngãi)- Rời quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, nhiều CCB trong tỉnh vẫn tiếp tục cống hiến cho cuộc đời bằng những việc làm ý nghĩa. Mỗi người một số phận, hoàn cảnh riêng, nhưng tất cả đều có điểm chung là ý chí, nghị lực và trách nhiệm với đồng chí đồng đội, với nhân dân.
Không cam chịu đói nghèo
Cựu chiến binh Đinh Văn Đôn (60 tuổi), người dân tộc Ca Dong ở thôn Tà Vây, xã Sơn Long (Sơn Tây) đã nỗ lực vươn lên và trở thành tấm gương tiêu biểu trong làm kinh tế gia đình.
CCB Huỳnh Tấn Sơn . Ảnh: LÊ DANH |
Sơn Long là xã khó khăn nhất của huyện miền núi Sơn Tây. Đời sống của phần lớn đồng bào còn nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ bề; các tập tục lạc hậu, dân trí thấp khiến cái đói nghèo cứ đeo bám mãi. Nhưng với ông Đôn, những năm tháng trong quân ngũ đã hun đúc ý chí vươn lên trong cuộc sống đối với ông. Từ đôi bàn tay trắng, ông cùng vợ bắt tay vào làm kinh tế nông nghiệp. Với 5 sào lúa nước, trước 2009, năng suất chỉ đạt 25 tạ/ha, nhưng sau khi ông áp dụng các biện pháp canh tác như bón phân cho lúa, theo dõi phát hiện sâu bệnh... nên năng suất lúa tăng lên 36 tạ/ha. Bên cạnh trồng lúa, ông còn chăn nuôi trâu, bò, gà, heo... mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, với vai trò là Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, ông Đôn đã không ngừng tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước cho đồng bào trong thôn. Đồng thời truyền đạt những kinh nghiệm làm kinh tế gia đình của mình để bà con trong thôn học hỏi làm theo. Nhờ đó, cuộc sống người dân trong thôn từng bước được nâng lên, các tập quán, hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ, đồng bào một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Cựu chiến binh sản xuất nông cụ
Đất nước giải phóng, trở về với cuộc sống đời thường, CCB Huỳnh Tấn Sơn (thương binh 3/4), ngụ thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) đã mày mò nghiên cứu, chế tạo và cải tiến các loại nông cụ phục vụ sản xuất, giúp ích cho nhà nông.
Năm 1969, chàng thanh niên tên Sơn có dáng người nhỏ nhắn và nước da ngăm đen đã xung phong đi theo tiếng gọi non sông khi tuổi đời mới 17. Vào quân ngũ, ông được đơn vị phân công về Tổ công binh thuộc Đội du kích xã Tịnh Bình. Công việc hằng ngày của ông và các đồng đội trong đơn vị là gò những quả bộc phá, thủ pháo và lựu đạn tròn… Cung cấp trực tiếp cho các đơn vị chiến đấu trên địa bàn.
Khi trở về với cuộc sống bên gia đình, ông loé ra ý tưởng “biến phế liệu chiến tranh thành nông cụ sản xuất”. Sẵn nghề gò hàn trong tay, ông thu mua các loại tôn, sắt thép do người dân thu lượm được để tạo ra cái cày, cây cuốc, cái gàu tát nước… Những sản phẩm do ông làm ra lúc bấy giờ có mặt khắp các cánh đồng, giúp ích rất nhiều vào công việc đồng áng của bà con xã nhà. “Hồi đó cả nhà làm ngày làm đêm để kịp giao hàng cho bà con, làm ra cái nào là bán hết cái đó”, ông Sơn nhớ lại.
Đến nay, sau 30 năm sản xuất nông cụ, ông Sơn luôn mày mò tìm hiểu và cải tiến các loại nông cụ để chúng ngày càng hữu ích. Những chiếc cày “ba trong một” hay “máy suốt gắn động cơ kết hợp sàng, sảy để làm sạch lúa”, được ông tự nghiên cứu chế tạo đã góp phần giảm công sức lao động, nâng cao hiệu quả trong công việc nhà nông. Là một khách quen, ông Phạm Quang, ngụ xóm 4, thôn Bình Đông, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) cho biết “Lưỡi cuốc tôi mua chỗ anh Sơn dùng rất bền và bén, không hề có hiện tượng sứt mối hàn. Đồ mua ngoài chợ dùng vài mùa là hư ngay”.
Ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Bình, cho biết: Với sự vượt khó vươn lên đó, CCB Huỳnh Tấn Sơn là một điển hình tiên tiến của xã, 5 năm liền là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Sơn Tịnh.