Còn đó nỗi lo đường ngang dân sinh

01:10, 21/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Toàn tỉnh hiện có 41 đường ngang dân sinh, không đảm bảo các điều kiện an toàn. Đây là mối nguy hiểm tiềm ẩn về TNGT đường sắt, đe dọa tính mạng con người bất cứ lúc nào...
 
“Tử thần” rình rập
 
Đường ngang dân sinh cắt ngang đường sắt tại Km903 + 550 đi qua thôn Phước Bình (xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn) mỗi ngày có hàng trăm lượt qua lại, nhất là vào giờ cao điểm.
 
Tuy nhiên, khu vực này không có chuông báo, người gác tàu ngoài tấm bảng hiệu “Chú ý tàu lửa” đã cũ kỹ, nghiêng ngã. Bên đường, cây xanh mọc um tùm, che khuất tầm nhìn của người điều khiển giao thông. Nhà dân thì nằm san sát đường sắt, việc nhận biết tàu hỏa đang đến gần là điều vô cùng khó. 
 
Người dân tự ý phá vỡ đường gom để đi
Đường ngang dân sinh được ngành đường sắt rào chắn lại bằng đường gom. Tuy nhiên, người dân địa phương đã tự ý phá vỡ chúng để tiện cho việc đi lại.
 
Bà Nguyễn Thị Huệ, 47 tuổi, ngụ tại thôn Phước Bình, người thường xuyên đi qua vị trí này cho hay, đường này hình thành từ rất lâu, là lối đi rất tiện của bà con nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. 
 
Tại đây, vụ tai nạn của người hàng xóm vẫn luôn ám ảnh bà. “Mỗi lần đi làm về, tôi đều rất cẩn thận, vậy mà cũng không tránh khỏi. Hôm qua, vừa nhích xe qua khỏi đường ray, nghe có tàu lửa sắp tới, hoảng quá nên tôi mất lái, lăn mấy vòng...”, bà Huệ nói.
 
Cùng ngày, qua theo dõi tại Km 908 + 110, đoạn qua thôn Long Xuân (xã Bình Long, huyện Bình Sơn), hàng loạt người dân vẫn hiên ngang qua lại dù tàu SE1 còn 5 phút nữa sẽ đến. 
 
Bà Nguyễn Thị Trung, 54 tuổi (thôn Long Xuân, xã Bình Long) vừa qua khỏi đường sắt, tàu vừa đến. Bà vẫn tỏ ra khá bình tĩnh: “Nhiều năm nay đi thế quen rồi, có gì đâu mà sợ. Đường này đi tiện hơn, đi vòng xa quá!”.
 
Điều đáng nói, tại điểm giao cắt này, Cung cầu đường huyện Bình Sơn đã làm đường gom, xóa bỏ nhiều lần nhưng người dân lại tự ý khôi phục lại như cũ, bằng cách đập phá hàng rào bê tông.
 
 “Điểm đen” khó xóa
 
Với khoảng 100km đường sắt đi ngang qua địa bàn, Quảng Ngãi có 41 đường ngang hợp pháp cắt ngang với đường sắt. Trong số này, chỉ có 16 đường ngang có người gác, 10 đường ngang có thiết bị cảnh báo tự động, 15 đường ngang có biển báo.
 
Cùng với đó, ở hầu hết các huyện có tuyến đường sắt đi qua trên địa bàn tỉnh như Sơn Tịnh, Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Tp.Quảng Ngãi tồn tại 41 đường ngang dân sinh, không đủ các điều kiện đảm bảo an toàn. 
 
Còn vài phút nữa, tàu SE1 sẽ lưu thông đến điểm giao cắt này, nhưng việc đi lại của nhiều người dân vẫn diễn ra bình thường.
Còn vài phút nữa, tàu SE1 sẽ lưu thông đến điểm giao cắt này. Tuy nhiên, việc đi lại của nhiều người dân vẫn diễn ra bình thường.
 
“Việc tồn tại nhiều đường dân sinh với mật độ khá dày đặc trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng nhiều đến hành lang an toàn giao thông đường sắt cũng như việc việc đảm bảo thời gian tàu lưu hành”, ông Nguyễn Văn Trung- Phó Trưởng phòng KT - AT, Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghĩa Bình nhấn mạnh.
 
Theo thống kê, tai nạn đường sắt ở tỉnh ta mỗi năm giảm đáng kể. Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, gần 10 năm nay, số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tập trung chủ yếu ở các đường dân sinh cắt ngang đường sắt. 
 
Ông Lê Hải - Phó Chánh Văn phòng - Ban ATGT tỉnh, cho biết: “Nhằm đảm an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông trên đường sắt, nhiều năm qua, Ban ATGT tỉnh thường xuyên phối hợp với Công ty TNHH MTV đường sắt Nghĩa Bình kiểm tra liên tịch tất cả các điểm giao cắt với bộ, tuyệt đối không để phát sinh thêm đường dân sinh. Hiện tất cả đường ngang dân sinh đều được rào chắn, không cho xe ô tô và xe cơ giới qua lại. Và chỉ chừa 1,2m cho người đi bộ và xe 2 bánh qua lại”.
 
Thực tế, ngoài những đường ngang dân sinh, Quảng Ngãi còn tồn tại nhiều lối đi tự phát rất nguy hiểm, “tử thần” luôn rình rập. Về lâu dài, có thể "phát triển" thành đường ngang dân sinh. Tình trạng người dân tự ý tháo dỡ hàng rào chắn, đường gom dân sinh như tại Km 908 + 110 ở Bình Sơn vẫn còn diễn ra.
 
Các đơn vị liên quan cần phối hợp với địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT đường sắt đến các khu dân cư sống ven đường sắt.
 
Bài, ảnh: Th.Hậu
 

.