(Báo Quảng Ngãi)- Nếu đồng bào Ca Dong ở huyện miền núi Sơn Tây dự trữ lúa trong những cái chòi dựng bên cạnh nhà sàn, thì đồng bào Cor ở vùng cao Tây Trà lại để dành lúa trong những chiếc thùng gỗ đặt trong nhà. Nhưng dù bằng cách nào thì việc lo cái ăn cho mùa mưa đã được bà con coi trọng.“Thấm” cảnh đói ăn vào những mùa mưa năm trước, nhiều người phải ăn rau rừng cầm hơi, giờ đây, nhiều hộ gia đình đồng bào Cor ở Tây Trà đã biết tích trữ lương thực, thực phẩm cho mùa đông.
Dù ngôi nhà nằm cạnh tuyến đường liên xã, nhưng ông Hồ Văn Ôn, thôn Sơn, xã Trà Khê (Tây Trà) vẫn không khỏi lo lắng khi nói chuyện với chúng tôi về việc đi lại trong những mùa mưa năm ngoái. Ông Ôn cho biết, mấy năm trước, vào mùa mưa là bà con trong thôn không thể đi ra ngoài được do đường sạt lở. Nhiều gia đình hết lúa, không có cơm ăn, đói lắm. Bây giờ ở đây ai cũng sợ rồi nên năm nay phải để lại ít lúa, mua thêm ít mắm muối để dành. Nói rồi, ông đưa chúng tôi vào ngôi nhà nhỏ của mình. Nhanh tay tháo vài lớp bao chèn kỹ trên chiếc thùng gỗ, và giới thiệu với khách phần lương thực để dành cho mùa mưa sắp đến.
Ông Hồ Văn Ôn khoe thùng lúa dự trữ để dành cho mùa mưa sắp đến. |
Khác với ông Ôn, bà Hồ Thị Bé, xã Trà Xinh, thì không có thùng gỗ đựng lúa mà bà lại chứa trong 3 bao tải cất kỹ trong góc bếp nhà sàn. Khi được hỏi mùa này còn lúa ăn hay không thì bà nói luôn, lúa ăn thì gần hết rồi, còn 3 bao này là để dành ít bữa nữa ăn. “Mùa lụt đó, không có đường đi. Ở nhà phải có lúa ăn, cơm ăn chứ”- bà Bé thật thà.
Theo đồng bào Cor ở Tây Trà thì tháng 9 là bắt đầu thu hoạch vụ lúa rẫy. Đến thời điểm này, nếu không để dành thì sẽ hết lúa từ lâu. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều gia đình nơi đây có ít đất rẫy, hay mùa trước thất thu nên đã hết lúa, không còn gì để dành. Họ phải chạy ăn từng bữa, do vậy, mùa mưa đến họ cũng cần được chính quyền địa phương quan tâm.
Ông Lê Minh Vương – Phó Chủ tịch xã Trà Xinh cho biết, mưa lũ ở miền núi rất phức tạp, nếu xảy ra cô lập thì kéo dài rất nhiều ngày. Để hỗ trợ kịp thời trong tình huống cứu đói khẩn cấp cho người dân trong mùa mưa năm nay, xã đã nhận 2 tấn gạo dự trữ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chú trọng việc tuyên truyền cho bà con cần chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm tại chỗ để có cái ăn là hết sức cần thiết. Bởi, có gạo dự trữ ở xã, nhưng mưa lớn, sạt lở núi, tắc đường thì việc vận chuyển gạo cứu đói không thực hiện được, hoặc không kịp thời.
Thường thì ở những vùng núi cao, không sản xuất được lúa nước, nên nguồn lương thực chủ yếu của đồng bào là lúa rẫy. Nhưng chuyện được - mất mỗi mùa rẫy như chuyện hên xui, nên việc thiếu gạo ăn cũng bấp bênh. Tích góp để dành phòng cho những lúc ngặt nghèo là chuyện bình thường đối với người miền xuôi, nhưng đối với đồng bào miền núi là chuyện khó thực hiện. Một phần bởi cách sống “vô tư”, phần khác là vì điều kiện sống khó khăn, khắc nghiệt. Lo cái ăn hàng ngày đã khó, nói gì đến để dành. Nhưng giờ đây thì đã khác, mùa nắng, họ lên rừng đốn củi, hái rau kiếm tiền lo cái ăn hằng ngày và một phần tích trữ lúa gạo cho mùa giáp hạt, mùa mưa. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng…
Bài, ảnh: X.THIÊN