(Baoquangngai.vn)- Đền Văn Thánh hay còn gọi là Văn Miếu ở phường Trường Quang Trọng, Tp.Quảng Ngãi được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay ngôi đền đang đối mặt với tình trạng xuống cấp, hư hại nặng nề, cần sớm được trùng tu và tôn tạo.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngôi đền cách mạng
Các cụ trong thôn kể lại, đền Văn Thánh trước đây là một tổng thể kiến trúc với kết cấu cơ bản là khung cột gỗ cổ truyền. Ngôi đền có đền thờ chính thờ Khổng Tử và chư hiền đệ tử của ông, một biểu trưng cho truyền thống hiếu học của nhân dân trong vùng.
Hai nhà tả vu, hữu vu đứng hai bên ở phía trước, vuông góc với đền thờ chính là nơi tổ chức các hoạt động phục vụ cho việc hành lễ, cúng tế và các hoạt động sinh hoạt khác như bình văn, thơ của trí thức đương thời.
Khuôn viên hiu quạnh của ngôi đền hiện tại. |
Đền có khuôn viên rộng hơn 2.000m2, được xây dựng vào năm 1817 tại làng Phú Nhơn, huyện Bình Sơn. Sau này là thôn Liên Hiệp, thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh và nay thuộc thôn Liên Hiệp, phường Trương Quang Trọng, Tp.Quảng Ngãi.
Đây được xem là một vị trí thắng địa, nằm trên tuyến tham quan du lịch quan trọng của tỉnh là Tp.Quảng Ngãi - Mỹ Khê - đảo Lý Sơn. Cùng với đó là những di tích có tầm vóc về lịch sử văn hóa như núi Thiên Ấn và mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định, Khu chứng tích Sơn Mỹ...
Theo Sách Lịch sử Đảng bộ huyện Sơn Tịnh (1929 -1975), những chiến sĩ cộng sản kiên cường của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi như Nguyễn Nghiêm, Trương Quang Trọng, Phạm Viết My, Đặng Tòng từng chọn nơi đây làm địa điểm hoạt động bí mật trong nhiều năm liền để cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Đối mặt với tình trạng xuống cấp
Với những giá trị lịch sử có giá trị to lớn, ngày 25/12/2013, đền Văn Thánh vinh dự được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị liên quan vẫn chưa tổ chức lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng di tích của UBND tỉnh, một phần vì ngôi đền đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp nặng.
Trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, đền Văn Thánh đã có nhiều thay đổi về tổng thể kiến trúc và cảnh quan xung quanh. Ngôi đền chỉ còn lại mỗi khu nhà chính. Bên trong khu nhà là đống đổ nát, bề bộn, không một vật dụng giá trị. Mùi ẩm mốc bốc lên nặng nề, hệ thống điện hư hỏng hoàn toàn.
Bên ngoài đền cỏ mọc che chắn cả lối đi. Tường rào bao quanh không có, chỉ có cổng đền nhưng đã cũ kỹ. Không có người bảo vệ, nhiều hộ dân tận dụng khuôn viên sân vườn để canh tác hoa màu, thả bò, gây mất mỹ quan cho di tích.
Cảnh tượng bề bộn, nhếch nhác của một ngôi đền lâu rồi chưa được tôn tạo, trùng tu. |
“Từ ngày ngôi đền xuống cấp trầm trọng, chẳng ai ghé đến thắp nén nhang. Có chăng, chỉ có vài cán bộ ở đâu trên phường, thành phố đến khảo sát. Chẳng biết đến khi nào ngôi đền được sửa chữa lại” - cụ Võ Minh, gần 80 tuổi, một trong những truyền nhân từng giữ đền sinh sống trong thôn xót xa.
Thực tế, tình trạng xuống cấp của ngôi đền đang làm mất đi những giá trị lịch sử vốn có, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Trong tiềm thức của họ bao đời nay, đây là một biểu tượng đáng tự hào. Không ít người mong muốn được nhìn thấy một dáng vẻ, hiện trang ngôi đền xứng tầm với những giá trị vốn có lâu đời.
Trao đổi với chúng tôi về tiến độ trùng thu, sửa chữa lại di tích đền Văn Thánh, ông Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Thành phố Quảng Ngãi cho hay: “Vừa qua, phòng đã cho người xuống khảo sát thực trạng xuống, lập báo cáo chi tiết và phương án trùng tu, tôn tạo. Việc tu sửa ngôi đền được xem là công trình cấp bách. Hiện nay, phòng đang phối hợp với địa phương, các đơn vị liên quan để chuẩn bị triển khai các bước tiếp theo như kế hoạch đề ra…”.
Đã đến lúc, các cấp, các ngành chức năng cần gấp rút triển khai kế hoạch bảo tồn, tôn tạo ngôi đền, góp phần phát huy những giá trị văn hóa lịch sử địa phương, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Bài, ảnh: Th.Hậu