Thầm lặng nghề bác sĩ pháp y

01:08, 22/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ nghe nói đến vụ án mạng cũng đủ khiến nhiều người sợ hãi. Thế mà đã 14 năm, Trung tá Lưu Vĩnh Phước (47 tuổi, Đội phó Đội khám nghiệm hiện trường- pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh) chuyên “vén màn” bí ẩn từ việc “giải phẫu” tử thi.

Từ dấu vết trên người tử thi...

Chẳng nhớ nổi số lần “giải phẫu” tử thi, Trung tá Lưu Vĩnh Phước chỉ biết rằng có rất nhiều vụ án mạng, trong đó có những cái chết oan uổng, nhói lòng. Có những trường hợp người chết chôn sâu dưới lòng đất, tử thi đã thối rữa nhưng buộc phải khai quật để truy tìm dấu vết.  

 

Hiện trường một vụ khám nghiệm tử thi.
Hiện trường một vụ khám nghiệm tử thi.


Trung tá Lưu Vĩnh Phước kể về vụ án mạng xảy ra hồi đầu năm. Một phụ nữ ở xã Sơn Ba (Sơn Hà) chết và được người thân trong gia đình chôn cất. Họ cứ ngỡ bà chết do đau ốm. Sau lễ an táng nửa tháng, cán bộ địa phương phát hiện tình tiết đáng ngờ về cái chết của người phụ nữ này và  báo với công an. Trung tá Phước tức tốc lên đường làm nhiệm vụ. Anh cùng cán bộ cơ quan điều tra cuốc bộ hơn 5 tiếng đồng hồ đường đồi núi mới đến được khu mộ. Sau khi khai quật, Trung tá Phước bắt tay ngay vào việc “giải mã” tử thi. Với sự dày dạn về kinh nghiệm, Trung tá Phước nhanh chóng phát hiện vết nứt trên hộp sọ. Trên cơ sở kết quả của giám định pháp y, lực lượng điều tra đã phá án thành công. Sự thật là trong làng có một người đàn ông bị ốm nặng, hai người con của ông ta nghi người phụ nữ này cầm đồ thuốc độc nên đã đánh chết. Với những chứng cứ rõ ràng, hung thủ gây án đã cúi đầu nhận tội.

Trung tá Phước đã “vén màn” bí mật từ nhiều vụ án mạng thương tâm, buộc kẻ thủ ác phải nhận tội trước pháp luật, giúp người thân trong gia đình các nạn nhân xấu số phần nào thanh thản cõi lòng. Trong nhiều vụ án mạng, mặc dù hung thủ xảo quyệt, song vẫn không “lọt” khỏi đôi mắt “nhà nghề” của giám định viên pháp y Lưu Vĩnh Phước. Như vụ án treo cổ ở TP.Quảng Ngãi, người chồng hô hoán, khóc than thảm thiết trước cái chết của vợ.

Sau khi tiếp cận tử thi, từ vết hằn trên cổ, Trung tá Phước nhận định đây không phải là vụ treo cổ tự sát mà là một vụ án mạng. Dựa trên nhận định của Trung tá Phước và tổng hợp một số thông tin khác, cơ quan điều tra xác định người chồng chính là hung thủ. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, người chồng đã thừa nhận hành vi vô nhân tính của mình. Y vốn có máu ham chơi. Tối hôm đó sau khi cãi vã với vợ, y đã dùng dây siết cổ vợ cho đến chết, sau đó treo lên tạo hiện trường giả.
 

“Nếu không có tinh thần trách nhiệm, Trung tá Phước sẽ không gắn bó được với công việc giám định viên pháp y đến ngày hôm nay. Các vụ án phức tạp, cơ quan điều tra đều trưng cầu pháp y công an. Có giải mã được các vụ án mới khiến anh em cảm thấy thoải mái”, Thượng tá Huỳnh Năm đánh giá.

Sợ người chết, nhiều người bỏ việc   

Quả thật nếu không trực tiếp chứng kiến, trò chuyện với giám định viên pháp y sẽ khó lòng thấu hiểu công việc lắm nỗi vất vả và khiến cho không ít người “bỏ chạy” vì sợ. Thượng tá Huỳnh Năm-Trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) cho biết, có bác sĩ chỉ sau vụ khám nghiệm tử thi đầu tiên là “nghỉ” luôn. “Đầu tiên tiếp xúc với xác chết ai cũng sợ. Mặc dù đã có sự đãi ngộ đối với giám định viên pháp y, nhưng sau khi nhận việc một vài bác sĩ đã bỏ đi… vì không vượt qua được nỗi sợ”, Thượng tá Năm nói.

Đối với Trung tá Lưu Vĩnh Phước, anh cũng đã từng đắn đo suy nghĩ khi ngày đầu làm công việc này. Làm sao không trăn trở khi cũng tốt nghiệp đại học y khoa như bao người, song họ được làm công việc vốn gắn với lương y là cứu chữa người bệnh. Còn công việc của bác sĩ là giám định viên pháp y thì chỉ “đụng” vào xác chết. Trung tá Phước cho biết, anh tốt nghiệp ra trường năm 1989, về làm việc tại Trạm Y tế xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi). Đến năm 1998 anh vào ngành công an và làm nhiệm vụ giám định viên pháp y.

Thoạt đầu, người thân trong gia đình không ai đồng ý để anh làm công việc này. Song, với quyết tâm góp sức để cơ quan điều tra nhanh chóng phá án, bắt thủ phạm phải đứng trước vành móng ngựa, trả lại nỗi oan ức cho nhiều người, anh Phước đã không ngừng nỗ lực và dần thuyết phục được người thân qua nhiều vụ án mạng được anh và đồng nghiệp “vén màn” bí ẩn.

Bất kể ngày đêm, nắng mưa, lên rừng, xuống biển, Trung tá Lưu Vĩnh Phước luôn sẵn sàng đồng hành cùng anh em trong ngành công an thực hiện nhiệm vụ. Có ngày xảy ra đến ba, bốn vụ án mạng. Có vụ phải khám nghiệm tử thi đến hơn 5 tiếng đồng hồ. Và, có khi đang nằm trên giường bệnh, vì nhiệm vụ Trung tá Phước vẫn dồn sức để tìm ra lời giải trên cơ thể tử thi.  

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

 


.