Tây Trà: Chủ động ứng phó với mưa lũ

08:08, 15/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Địa hình huyện Tây Trà đồi núi, độ dốc cao. Người dân sống rải rác ở các khu vực có nguy cơ sạt lở. Vì vậy, ngay từ thời điểm này Tây Trà đã chủ động các phương án di dời và đưa dân ra các khu tái định cư (TĐC) để tránh thiệt hại về người và tài sản trước nguy cơ mưa lũ, sạt lở núi luôn tiềm ẩn.

TIN LIÊN QUAN

Theo thống kê, huyện Tây Trà có 15 điểm có nguy cơ sạt lở núi ảnh hưởng đến 137 hộ dân với hơn 600 khẩu. Hiện nhiều khu TĐC đã xây dựng hoàn thành, người dân vào ở và rất phấn khởi…

Chủ động

Theo ông Phan Văn Hiền- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Trà, để ứng phó với nguy cơ sạt lở núi ảnh hưởng đến tính mạng người dân, trước mùa mưa bão 2014, huyện đã tiến hành di dời các hộ dân nằm ở vùng nguy cơ sạt lở cao vào ở trong các khu TĐC mới xây dựng. “Hiện công tác di dời dân đang được các địa phương triển khai tích cực, nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân trước mùa mưa bão năm nay. Những năm trước tình trạng sạt lở xảy ra rất nguy hiểm. Do đó, mùa mưa bão năm nay huyện đã chủ động nhằm đối phó với tai họa từ thiên nhiên một cách tốt nhất” – ông Hiền nói.

 

 Đưa dân đến nơi TĐC tránh nguy cơ sạt lở, giúp người dân an tâm sinh sống và sản xuất.
Đưa dân đến nơi TĐC tránh nguy cơ sạt lở, giúp người dân an tâm sinh sống và sản xuất.


Ngoài việc di dời dân vào các khu TĐC, Tây Trà cũng đã lên phương án sẵn sàng di dời dân trong trường hợp khẩn cấp. Trong đó, chủ động bố trí nơi trú ẩn cho dân; chuẩn bị các lực lượng xung kích tại chỗ giúp dân cũng như nhu yếu phẩm để người dân sinh sống trong thời gian phải di dời khẩn.

Ông Hoàng Như Lâm-Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết, để đảm bảo an toàn cho nhân dân trong mùa mưa bão 2014, huyện đã có phương án phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, đã thống nhất được lực lượng gồm các ngành như công an, quân đội, lực lượng thanh niên xung kích, lực lượng công an viên thôn, xã đội, dân quân tự vệ… với số lượng lên đến gần 100 người. Ngoài ra, vật tư, thiết bị tìm kiếm cứu nạn, sơ cứu, cấp cứu và vận chuyển người bị nạn cũng được chuẩn bị đầy đủ.

“Hiện chúng tôi đã chủ động dự trữ 30 tấn gạo, 100 thùng mì tôm, xăng, dầu. Tại Trung tâm y tế huyện cũng chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc men, dụng cụ y tế cần thiết phòng khi có sự cố xảy ra. Đối với các xã sẽ dự trữ từ 2 - 5 tấn gạo/xã cùng dầu hỏa, nước uống và các nhu yếu phẩm khác để ứng phó với sạt lở và mưa lũ” – ông Lâm cho hay.

Người dân phấn khởi

Để ứng phó với mưa lũ cũng như đảm bảo an toàn cho người dân vùng sạt lở, năm 2013, huyện Tây Trà đã đầu tư xây dựng khu TĐC ở thôn Trà Ong, xã Trà Quân. Khu TĐC rộng trên 7ha, bao gồm hệ thống điện, nước sinh hoạt, với kinh phí đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Sau hoàn thành mặt bằng, xã Trà Quân đã hỗ trợ kinh phí, tổ chức di dời 17 hộ dân ở vùng sạt lở lên tái định cư ổn định. Xã Trà Quân cũng đã có chính sách hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng để người dân khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế ở vùng tái định cư.

“Được Nhà nước hỗ trợ di dời đến khu TĐC trước mùa mưa lũ, chúng tôi vui lắm, không còn lo sợ núi Clic với núi Pe đe dọa nữa” – ông Hồ Văn Tuấn vui mừng nói.

Tương tự, tại khu TĐC thôn Trà Ích, xã Trà Lãnh, chính quyền địa phương cũng đang tích cực san lấp mặt bằng và di dời dân vào nơi ở mới ổn định trước mùa mưa bão. Đến thời điểm này đã có 26 hộ dân ở vùng sạt lở thôn Trà Ích đã đến TĐC. Dự kiến khu TĐC  Trà Ích sẽ hoàn thành hệ thống điện, nước sinh hoạt và các công trình hỗ trợ dân sinh để kịp di dời 9 hộ dân còn lại trước tháng 9.2014.

“Để tránh tình trạng người dân bỏ khu TĐC quay về vùng sạt lở, trong quá trình xây dựng huyện Tây Trà luôn lắng nghe ý kiến người dân lựa chọn khu TĐC phù hợp, gần với nơi ở cũ để người dân ổn định sản xuất. Hầu hết số hộ dân được di dời vào các khu TĐC rất vui mừng và phấn khởi”, ông Hoàng Như Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho hay.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.