Mùa mưa bão 2014 ở Sơn Tây, Sơn Hà: Nỗi lo sạt lở, thủy điện xả lũ

03:08, 11/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 8.8, Đoàn công tác của tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ kiêm Trưởng Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại hai huyện miền núi Sơn Tây, Sơn Hà. Mặc dù báo cáo luôn trong tư thế chủ động, sẵn sàng ứng phó, song địa phương cũng bày tỏ rõ mối lo sạt lở, thủy điện xả lũ gây ra tình huống bất ngờ, nguy cơ thiệt hại không phải là nhỏ…

 “Túi nước” treo trên cao

Tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra công tác phòng chống lụt bão sáng 8.8, ông Tô Cước – Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Sơn Tây cho biết: Huyện xác định công tác phòng chống lụt bão năm  2014 thêm nhiệm vụ nặng nề là phải đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện Đắkđrinh.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phạm Trường Thọ kiểm tra an toàn hồ đập tại cửa nhận nước thủy điện Đắkđrinh - Sơn Tây.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phạm Trường Thọ kiểm tra an toàn hồ đập tại cửa nhận nước thủy điện Đắkđrinh - Sơn Tây.


Về việc này, ông Vương Quý Thạch- Phó Giám đốc Công ty CP thủy điện Đắkđrinh báo cáo: Hồ chứa thủy điện có sức chứa đến 250 triệu m3 nước. Công ty đã tổ chức kiểm tra công trình trước mùa mưa bão, trong đó đặc biệt lưu ý kiểm tra các thiết bị vận hành tràn xả lũ, mái taluy trên các tuyến đường vận hành, các phương tiện giao thông trên hồ đập. Công ty đã lắp còi hú thông báo xả lũ gắn tại nhà van đập tràn; đồng thời từ nay đến 30.8 sẽ lắp đặt loa phóng thanh tại 5 điểm thuộc xã Sơn Dung, Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Mùa, Sơn Tân để thông báo cho nhân dân trong vùng hạ du biết khi xả lũ. Đối với công tác quan trắc, thu thập thông tin khí tượng thủy văn trên lưu vực hồ chứa để phục vụ công tác vận hành hồ chứa an toàn, Công ty CP Thủy điện Đắkđrinh sẽ ký kết hợp đồng với cơ quan khí tượng thủy văn để trao đổi thông tin bắt đầu từ ngày 1.9 tới.

Tuy nhiên, khi đi thị sát tại công trình hồ chứa, nhà van đập tràn thủy điện Đắkđrinh, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu công ty “vận hành thử nghiệm” hệ thống còi hú xả lũ thì Công ty đã từ chối với lý do “nhà thầu thi công” không có mặt để vận hành! Tại bờ đập và xung quanh khu vực cửa nhận nước, hoạt động của bến đò tự phát vẫn khá đông đúc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho tính mạng.

Ông Vương Quý Thạch cho biết: Sẽ phối hợp với huyện Sơn Tây giải tỏa người dân lập bến đò tự phát tại bờ đập; trang bị hệ thống phao báo hiệu. Cuối tháng 8 nhà máy sẽ phát tổ máy số 2, lực hút ở cửa nhận nước rất mạnh, lên đến 50m3/s, rất nguy hiểm nếu đi ra vào ở khu vực này. Việc di dời dân sinh sống phía khu vực trên lòng hồ, chính quyền cần chủ động phối hợp với công ty tính toán để đảm bảo tính mạng người dân.

Ông Tô Cước – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây báo cáo tại buổi làm việc: Huyện đã xác định 18 điểm có nguy cơ sạt lở núi, có khả năng phải di dời dân trong mùa mưa bão năm nay. Tuy nhiên, huyện rất lo lắng sạt lở có thể xảy ra bất ngờ tại các địa điểm khác ngoài 18 điểm đã xác định. “Mùa mưa lũ 2013, tình huống sạt lở bất ngờ tại thôn Gò Lả, xã Sơn Dung đã vùi lấp toàn bộ nhà cửa cùng 2 vợ chồng chủ nhân của ngôi nhà này. Đây lại là điểm sạt lở không nằm trong danh sách các điểm có nguy cơ mà huyện đã xác định trước đó”.

Tại huyện Sơn Hà, báo cáo với Đoàn công tác của tỉnh, bà Đinh Thị Thanh Hường – Phó Chủ tịch UBND huyện tỏ rõ lo lắng về các điểm tái định cư, các khu dân cư có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão sắp tới. Khả năng phải di dời dân trong tình huống cấp thiết khi lũ đổ về là hoàn toàn có khả năng xảy ra.  Đặc biệt ở Sơn Hà, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ suối đang ngày một gia tăng, nhất là khu vực ven sông Giang do lưu lượng nước vào mùa mưa bão qua đây với tốc độ, cường độ tăng đột biến.

Ông Nhâm Xuân Sỹ - Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ngãi cho biết: “Năm 2013 lưu lượng qua sông Giang gần 17.000 m3/s trong khi đó lũ lịch sử vào năm 2009 chỉ đạt gần 11.000m3/s. Vì thế huyện và người dân sinh sống ven khu vực bờ sông Giang phải hết sức chủ động di dời khi bão, lũ về”.

Chủ động ứng phó

Ông Nguyễn Thanh Lạc – Phó Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh yêu cầu: Huyện Sơn Tây và Sơn Hà bổ sung vào phương án phòng chống lụt bão các điểm nguy cơ sạt lở núi, bờ sông suối và lũ quét, đặc biệt chủ động chống bão. Ứng với từng tình huống phải có phương án cụ thể về di dời dân. Tăng cường tuyên truyền đến dân vùng hạ lưu hồ chứa về tín hiệu phát đi khi có tình huống xả lũ. Thông báo đến dân kịp thời để dân không làm ăn, đi lại trong vùng nguy hiểm, đặc biệt là cửa xả lũ.

Hồ chứa nước thủy điện Đắkđrinh - Sơn Tây.
Hồ chứa nước thủy điện Đắkđrinh - Sơn Tây.


Đối với Công ty CP Thủy điện Đắkđrinh phải có báo cáo bằng văn bản về an toàn hồ đập liên tục trong mùa mưa bão, trong đó đảm bảo thông tin cần thiết đúng quy định. Hiện tại vận hành theo quy trình đơn hồ, nhưng khi có quy trình vận hành liên hồ phải chấp hành nghiêm. “Xả nước, xả lũ thông báo trước 2 tiếng là không đảm bảo, phải ít nhất 6 tiếng. Đề nghị kiến nghị điều chỉnh. Mặc dù Công ty có hợp đồng với cơ quan khí thượng thủy văn trao đổi thông tin bão lũ nhưng phải chủ động nắm bắt thông tin từ nhiều nguồn để xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra” – ông Nguyễn Thanh Lạc đề nghị.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẳng định: Vấn đề tỉnh lo nhất trên địa bàn Sơn Hà, Sơn Tây là an toàn hồ đập thủy điện, đặc biệt là việc xả lũ. Hiện tại hệ thống thông báo xả lũ chưa hoàn thành, loa, còi âm thanh phải đảm bảo thông tin đến được với người dân vùng bị ảnh hưởng. “Núi cao, xa xôi, làm thế nào để dân nghe được tín hiệu xả lũ thủy điện. Nếu dân không nắm được thông tin sẽ rất nguy hiểm” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ băn khoăn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu 2 huyện Sơn Hà, Sơn Tây: “Triển khai ngay phương án phòng chống khả thi. Dự trữ đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men sẵn sàng ứng phó. Đồng thời tiếp tục rà soát các điểm có nguy cơ; tập trung vận động người dân vùng có nguy cơ sạt lở di dời kịp thời; đảm bảo tốt phương châm 4 tại chỗ từ khu dân cư, thôn, xã, huyện. Phải chủ động trong mọi tình huống để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân”.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
                           

 


.