Gìn giữ truyền thống dưới mái nhà sàn

02:08, 16/08/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Nếp nhà sàn đơn sơ nhưng thắm đượm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Cor, H’re, Ca dong. Trải qua hàng trăm năm phát triển, ngôi nhà sàn cùng làn khói lam chiều ẩn hiện trong núi rừng hun hút vẫn là hình ảnh quen thuộc được nhiều người bắt gặp khi đến với những vùng miền xa xôi của Quảng Ngãi.
Thôn Làng Rêu, xã Ba Điền (Ba Tơ) nằm im ắng nơi góc núi. Trong thôn đang có gia đình của anh Phạm Văn Hích xây lại nhà mới nên bà con đến giúp, tạo nên bầu không khí náo nhiệt dưới sắc xanh của trời tháng 8. Ngôi nhà sàn của anh Hích dựng cách đây hơn 16 năm nay đã mục nát. Vừa đúng lúc đi làm thuê kiếm được ít tiền nên anh quyết định xây mới. Anh Hích nói: Mình vẫn dựng nhà sàn để ở tiếp thôi. Sinh ra ở nhà sàn, có vợ con rồi vẫn ở nhà sàn.
 
Câu nói tuy ngắn gọn nhưng thể hiện rõ tình cảm gắn bó với mái nhà truyền thống của đồng H’re. Chỉ là những thân lồ ô, cây gỗ giản dị với mái ngói thắm đỏ, ngôi nhà sàn mới chứa đựng nhiều hy vọng của gia đình anh Hích đang hình thành.
 
Gia đình 2,3 thế hệ quây quần dưới hiên nhà sàn
Gia đình 2, 3 thế hệ quây quần dưới hiên nhà sàn
 
Thôn Làng Rêu có hơn 40 hộ thì đã có hơn 35 hộ sinh sống trên những ngôi nhà sàn. Các hộ còn lại vì kinh tế khá giả mà xây nhà bê tông. Nhưng khu bếp, hay gian nhà nghỉ ngơi của họ vẫn còn phảng phất đâu đó nét riêng của nhà sàn. “Ngày xưa xây nhà sàn để tránh thú dữ. Người sống ở trên nhà sàn, vật nuôi thì nằm ở dưới. Giờ thì không còn thú dữ nữa. Nhưng ở thôn này, người ta vẫn cứ thích ở ngôi nhà truyền thống thôi.”- Già làng Phạm Văn Đang tỏ bày.
 
Từ bao đời nay, với người dân vùng cao, khi nhắc đến nhà sàn là nhắc đến gian bếp ấm cúm đặt giữa nhà, là nơi nghỉ ngơi sinh hoạt chung cho cả gia đình. Cũng trên nếp nhà sàn đơn sơ, những tiếng chiêng, tiếng trống vang vọng khắp núi rừng trong mỗi lần hội làng. Nhận thức được nét đẹp truyền thống ở nếp nhà sàn, không chỉ riêng người dân ở thôn Làng Rêu mà nhiều địa phương khác cũng đang tìm cách để gìn giữ nét xưa.
 
Tại huyện Sơn Tây, đến thời điểm này, đã xây dựng hơn 2.700 ngôi nhà cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số theo chương trình 167. Nhưng điểm đặc biệt là những ngôi nhà này đều giữ được nét riêng của ngôi nhà sàn đã được cải tiến. Các trụ gỗ trong ngôi nhà sàn xưa nay đã thay thế bằng những trụ bê tông vững chắc.
 
Ông Đinh Kà Để- Bí thư Huyện ủy Sơn Tây trăn trở: “Phải làm sao để người dân có xây dựng thì cũng xây theo kiểu nhà sàn truyền thống, chỉ thay trụ gỗ bằng trụ bê tông, lợp ngói cho vững chắc. Còn về cơ bản thì vẫn làm theo kiểu chôn cột; kiểu đặt thêm nhiều cột, xà; kiểu nhiều khóa giang và các đòn bẩy”.
 
Trong quá trình xây dựng nhà sàn cho bà con, chính quyền xã đã cố gắng vận động xây ngăn phòng riêng, bếp riêng phù hợp với các gia đình sống 2,3 thế hệ cùng nhà. “Chúng tôi phải đi tuyền truyền nhiều lắm. Bà con còn chịu ở nhà sàn thì rất mừng, nhưng phải sửa đổi tập tục nuôi gia súc ngay dưới nhà sàn và phải xây thêm hố xí để giữ vệ sinh môi trường.”- Ông Phạm Hồng Khuyến- Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho hay.

 

Hình ảnh những ngôi nhà sàn đơn sơ thường được bắt gặp ở miền núi Quảng Ngãi
Hình ảnh những ngôi nhà sàn đơn sơ thường được bắt gặp ở miền núi Quảng Ngãi
 
Với cách làm hay trong xây nhà hộ nghèo, bà con đều phấn khởi vì vừa có nhà mới, lại vừa phù hợp với tập quán ở nhà sàn bao đời nay của dân tộc mình. Bà Đinh Thị Gieo, ngụ xã Sơn Dung chia sẻ: Được Nhà nước hỗ trợ tiền để xây nhà mới thì tôi vui lắm. Nhưng bao đời nay đồng bào Ca dong quen ở nhà sàn rồi, nay được xây nhà mới thì cũng phải làm theo kiểu nhà sàn mới phù hợp. Đây cũng là cách để giữ lại nét văn hóa truyền thống để con cháu sau này hiểu và gìn giữ. Rất may chính quyền hiểu ý của bà con nên cho xây theo kiểu nhà sàn.
 
Nhà sàn đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi. Trước thực trạng nhà sàn truyền thống của đồng bào đang được thay thế bằng những ngôi nhà xây kiến trúc mới, các địa phương cần phải tuyên truyền, định hướng cho người dân giữ gìn thật tốt các nếp nhà sàn truyền thống. Bởi đó là nét văn hóa rất riêng của người dân vùng cao.
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 
 
          

.