(Báo Quảng Ngãi)- Gởi trọn tuổi thanh xuân nơi chiến trường bom đạn để phá đá mở đường, tải lương, tải đạn, sau ngày đất nước giải phóng các nữ thanh niên xung phong lại cống hiến sức mình để dựng xây quê hương. Dẫu trải qua bao hy sinh, thiệt thòi, các chị vẫn thấy lòng thanh thản bởi quê hương, đất nước ngày một phát triển, nhà nhà đầm ấm, yên vui.
Sự hy sinh thầm lặng
Chúng tôi tìm về thôn Thạch Trụ Đông, xã Đức Lân (Mộ Đức) vào buổi chiều mưa. Cơn mưa giông xối xả khiến cho con đường càng thêm trơn trượt. Căn nhà nhỏ của bà Lê Thị Minh Tâm (70 tuổi, cựu TNXP) nằm bên cánh đồng lúa đang lên xanh mướt.
Lụi hụi lau dọn sàn nhà bị nước mưa hắt vào, bà Tâm bảo: “Giờ sức yếu rồi, bệnh tật đầy mình, lại chẳng có ai bên cạnh nên buồn lắm cháu ạ. Chẳng bù cho thời con gái đi TNXP, cái gì cũng làm được hết, lấp hố bom, tải lương, tải đạn, rồi sau này làm đường sắt nữa… tuy cực mà vui”. Nhắc lại quãng thời gian hiểm nguy, cơ cực nhưng hào hùng của những tháng ngày tham gia lực lượng TNXP, bà Tâm vui lên hẳn.
Cũng như hàng vạn TNXP ở Quảng Ngãi, năm 1964 bà Tâm xung phong lên đường đấu tranh chống Mỹ và được phân công công tác tại đường Trường Sơn. Đến cuối năm 1965, bà trở về làm cán bộ hội phụ nữ thôn Thạch Trụ. Nhiều lần bà bị địch bắt, nhưng bà quyết không khai dù chỉ nửa lời. Năm 1967, bà kết hôn với một cán bộ quân nhu người Quảng Trị. Sau 2 năm, ông chuyển công tác đi miền Nam, vợ chồng bà mất liên lạc với nhau từ đó.
Bà Tâm trong căn nhà mới được Hội Cựu TNXP tỉnh hỗ trợ xây dựng. |
Đến năm 1976, sau giải phóng, dù đã 29 tuổi nhưng bà vẫn tiếp tục tham gia lực lượng TNXP tại Công ty Công trình đường sắt II đóng tại Đà Nẵng. Mãi đến năm 1989 bà mới trở về quê nghỉ mất sức. Bà Tâm bộc bạch: “Từ ngày hai vợ chồng mất liên lạc, tôi vẫn một lòng chờ đợi, rồi thời gian trôi qua lâu quá, chắc ông ấy đã hy sinh…”. Nói đoạn, bà Tâm ngồi lặng thinh bên cửa sổ nhìn những giọt mưa đang nhỏ tí tách ngoài sân. “Sống với nhau được 2 năm mà chẳng có được mụn con nào, lỗi cũng do tôi, hồi bọn địch toàn tra tấn vào vùng kín…”, bà Tâm đượm buồn.
Người phụ nữ Việt Nam kiên cường, thủy chung là thế đấy. Dẫu chỉ trong suy nghĩ, bà Tâm chưa một lần tính chuyện đi bước nữa. Bà chỉ toàn tâm toàn ý nghĩ đến người chồng biệt ly suốt mấy mươi năm ròng bởi chiến tranh. Trở về với cuộc sống đời thường, bà Tâm không được hưởng khoản trợ cấp nào. Cuộc sống khó khăn nên bà vào tận TP.Hồ Chí Minh để giúp việc nhà, có chút tiền lại đi khắp nơi để tìm chồng. Bà không ngờ rằng chồng mình vẫn còn sống, sau chiến tranh vì mất liên lạc, ông tưởng bà đã chết nên trở về Quảng Trị và lập gia đình mới. Chuyện hy hữu đã diễn ra mà với bà Tâm thì như thể trong mơ. Sau 40 năm, bà Tâm gặp lại chồng. Ngày gặp lại, bà chỉ nói với ông: “Tôi tha thứ cho ông tất cả mọi chuyện. Cảm ơn ông vì ông còn sống”.
Ông Đào Văn Hanh-Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho hay, ở Quảng Ngãi có rất nhiều nữ TNXP sau chuỗi ngày dài cống hiến cho đất nước đã sống cảnh neo đơn. Toàn tỉnh có 17.000 cựu TNXP (nữ chiếm 60%), trong đó số người không lập gia đình, không con cái chiếm phần nhiều. Nhiều chị em lập gia đình nhưng không thể làm mẹ hoặc có con bị dị tật bởi di chứng chiến tranh. “So với nam giới, nữ TNXP vất vả, thiệt thòi nhiều”, ông Hanh nói.
Chia sẻ niềm vui...
Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Đào Văn Hanh cho biết, trong những năm qua, các cấp hội đã huy động nhiều nguồn lực để giúp đỡ cựu TNXP, đặc biệt là nữ TNXP có hoàn cảnh neo đơn như hỗ trợ tiền, xây dựng nhà ở… Đây là nghĩa cử tri ân đối với công lao mà các TNXP đã cống hiến cho quê hương, đất nước. Vừa qua, hội đã hỗ trợ xây dựng 56 căn nhà tình nghĩa và tặng sổ tiết kiệm cho các trường hợp TNXP có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn.
Trong căn nhà thơm nồng mùi vôi mới, bà Lê Thị Minh Tâm phấn khởi bảo: “Được hỗ trợ xây dựng nhà ở, lòng tôi cảm thấy ấm áp. Mong sao các đồng chí khác cũng được hỗ trợ thế này”. Bà Nguyễn Thị Lĩnh (71 tuổi) ở tổ 15, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi), cũng là trường hợp nữ TNXP sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về quê hương vì đã lớn tuổi nên không lập gia đình. Khác với cựu TNXP Lê Thị Minh Tâm, bà Lĩnh quyết định làm mẹ đơn thân để bớt hiu quạnh. Mới đây, bà Lĩnh được Hội Cựu TNXP hỗ trợ xây dựng nhà ở. Bà Lĩnh vui mừng nói: “Cả đời chẳng làm được gì nhiều cho con, giờ có được cái nhà coi như của hồi môn vậy”. Gởi trọn tuổi thanh xuân cho cách mạng, cho sự nghiệp dựng xây quê hương, đất nước, đối với các nữ TNXP dẫu cuộc sống giờ đây còn nhiều gian khó, họ vẫn luôn tự hào về truyền thống của lực lượng TNXP.
Bài, ảnh: Xuân Hiếu