Vượt qua ma túy

01:06, 20/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 20 năm làm “nô lệ” của ma túy, tưởng chừng như cuộc đời của ông Lê Thanh Sơn (59 tuổi) ngụ tổ dân phố 3, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) đi vào ngõ cụt. Nhưng rồi bỗng một ngày, đứa con trai đầu báo tin: “Con đỗ đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh rồi! Ba cai nghiện đi, dành tiền nuôi con ăn học”. Những giọt nước mắt lăn dài, là người cha, anh tự nhủ với lòng mình “phải bỏ ma túy, làm một người cha tốt”.

Những tháng ngày nghiện ngập    

Chúng tôi gặp ông Lê Thanh Sơn khi ông đang loay hoay cùng vợ bán trái cây ở chợ Châu Ổ. Thoạt nhìn thân hình quắc thước, nước da hồng hào, ít người biết trong một thời gian dài ông Sơn từng là người nghiện nặng ma túy. Nhắc về quãng thời gian hơn 20 năm nghiện ma túy, ông Sơn bộc bạch: “Ngày đó, mình như con thiêu thân tìm đến “nàng tiên nâu”, mà không hề biết sau này nó gieo rắc bao đau thương cho bản thân và gia đình mình. Giờ nghĩ lại, vẫn còn bị ám ảnh!”.

 

Ông  Sơn phụ vợ bán trái cây ở chợ Châu Ổ.
Ông Sơn phụ vợ bán trái cây ở chợ Châu Ổ.


Là con một, từ nhỏ ông Sơn được gia đình cho vào thị xã Quảng Ngãi để ăn học. Được gia đình nuông chiều, Sơn bắt đầu cuộc sống ăn chơi rồi sa ngã vì ma túy. Năm 1975, ông lấy vợ, với hy vọng gầy dựng lại cuộc sống mới, quyết tâm từ bỏ ma túy. Nhưng rồi ma túy vẫn bám lấy ông. Giơ đôi tay chi chít những vết thâm đen, dấu vết của hơn 20 năm chích ma túy, ông Sơn hồi tưởng: “Biết mình là con nghiện, nhưng cô ấy chấp nhận hy sinh để đến với mình. Ngày hai đứa cưới nhau, vợ mình nói nhát gừng, anh phải bỏ ma túy, tu chí làm ăn, còn không thì đường ai nấy đi!”.

Sống chung với nhau một thời gian, ba đứa con kháu khỉnh của vợ chồng ông Sơn lần lượt ra đời, càng tiếp thêm động lực để ông từ bỏ ma túy. Cai nghiện một lần, hai lần, rồi ba lần, nhưng đều thất bại, ông Sơn tiếp tục trượt dài trên còn đường tăm tối ấy.

Lời hứa - trách nhiệm với con

Cai nghiện nhiều lần nhưng không được, điều làm ông Sơn trăn trở là ba người con của ông không hề mặc cảm, tự ti vì có một người cha nghiện ngập mà xao nhãng chuyện học hành. Ngược lại các em đều là những học trò giỏi của trường. Một ngày cuối tháng 8.1996, khi đang miên man trong cơn nghiện, thì ông Sơn nhận được điện thoại của người con trai đầu Lê Thanh Phong ở TP. Hồ Chí Minh gọi về. Giọng đầu dây bên kia nhỏ nhẹ: “Ba ơi con thi đỗ đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh rồi! Ba cai nghiện đi, dành tiền nuôi con ăn học !”. Đáp lời con, ông Sơn  ỡm ờ: “Ba hứa với con, lần này ba sẽ bỏ! ”.

Ông Sơn kể: “Nghe con nói xong, mình bật khóc, buồn lắm! Nhiều đêm thức trắng, suy nghĩ hoài. Con mình từ lúc sinh ra phải sống với một người cha nghiện ngập. Vậy mà các cháu vẫn sống tốt, mặc cho những định kiến ác nghiệt của nhiều người đổ dồn vào tụi nó. Động lực ấy khiến mình không chần chừ được nữa, phải đoạn tuyệt với cái chết trắng ấy. Tự xích đôi chân vào khung cửa sắt suốt mấy tháng ròng, thể xác rã rời vì đau đớn. Mỗi lần lên cơn nghiện, hình ảnh vợ con lại hiện hữu trong suy nghĩ, tiếp thêm cho mình sức mạnh, đứng dậy làm lại cuộc đời”.

Được gần một năm, cắt được cơn nghiện, ông Sơn mừng như được sinh ra lần thứ hai. Từ đây, ông chọn cho mình nghề sửa giày dép, kiếm thêm thu nhập nuôi con ăn học. Ông lao vào công việc để quên đi những cám dỗ chực chờ mình. Vợ ông, bà Hương kể lại : “Biết anh ấy đoạn tuyệt ma túy, nhiều bạn nghiện thường xuyên lui tới, rủ rê anh quay lại con đường cũ. Hết lần này đến lần khác, anh đều tìm cách từ chối khéo. Thấy anh kiên quyết, dần dà họ không còn tìm đến anh nữa”.

Cai nghiện thành công, nhiều năm liền ông Sơn là cộng tác viên tích cực của Trung tâm Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ngãi. Những buổi nói chuyện với nhiều đối tượng nghiện ma túy, ông dốc tâm sức khuyên họ hướng thiện, bằng chính những trải nghiệm đau đớn vì ma túy mà ông đã trải qua.

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN

 


.