(Báo Quảng Ngãi)- Do người dân bất cẩn trong quá trình dọn đốt thực bì mà gần 24ha rừng ở Tiểu khu 33, xã Phổ Khánh (Đức Phổ) bị lửa thiêu rụi, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Thế nhưng đã gần 2 năm trôi qua, vụ việc vẫn rơi vào im lặng khiến nhiều hộ dân có rừng cháy lan bức xúc…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo báo cáo ngày 3.8.2012 của Hạt Kiểm lâm Đức Phổ, nguyên nhân xảy ra vụ cháy ngày 24.7.2012 là do người dân bất cẩn trong quá trình dọn đốt rừng sau khai thác, khiến ngọn lửa cháy lan ra diện rộng, mà điểm xuất phát cháy là từ rừng của ông Lê Trọng Thu (thị trấn Đức Phổ).
Còn công văn ngày 24.3.2014 về việc trả lời kết quả điều tra, xử lý vụ cháy rừng tại Tiểu khu 33 của Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Đức Phổ nêu rõ: Tổng diện tích rừng trồng bị thiệt hại là 272.536m2 (196.674m2 rừng trồng phòng hộ đầu nguồn hồ Ông Thơ thuộc Dự án 661 và 76.274m2 rừng sản xuất của dân); riêng hộ Mai Hồng Lân và Nguyễn Qưới không tham gia giám định chỉ mốc giới nên không xác định được diện tích rừng bị thiệt hại.
Xót lòng rừng thành tro
Gần hai năm kể từ khi hỏa hoạn biến hơn 6 ha rừng keo 5 năm tuổi thành tro, ông Nguyễn Thành Đức ngụ thôn Diên Trường vẫn chưa hết bàng hoàng và xót của. Nhất là khi số keo ấy đã được bạn hàng trả giá gần 400 triệu đồng, nhưng ông Đức chưa kịp gật đầu thì tai họa ập tới. “Toàn bộ cánh rừng của tôi bị cháy trụi. Nhìn cảnh ấy, vợ con tôi như chết đi sống lại”, ông Đức nghẹn ngào. Cùng cảnh ngộ với ông Đức, hơn 1ha rừng keo lai 4 năm tuổi của người hàng xóm Nguyễn Hải cũng bị “bà hỏa” biến thành cây khô. Vì vậy, mỗi khi ai đó nhắc đến vụ cháy rừng năm ấy, ông Hải cay đắng bảo: “Vụ đó tôi dùng hơn 60 triệu đồng (1 ha keo 4 năm tuổi ông Hải bán được trên 60 triệu đồng-PV) đổi lấy mấy bó củi cháy”.
Những hộ dân có rừng bị cháy bức xúc vì vụ việc đã xảy ra gần 2 năm nhưng đến giờ vẫn chưa được xử lý. |
Trong khi đó, nhóm 13 hộ dân ở thôn Diên Trường gắn bó với rừng Dự án 661 cũng điêu đứng vì thiệt hại quá lớn (19,6ha với trữ lượng gỗ 832m3). Lý do, số diện tích rừng trên do Ban Quản lý Dự án lâm nông nghiệp Đức Phổ (BQLDA) hợp đồng giao khoán cho họ trồng, chăm sóc và bảo vệ từ năm 2004-2011. Đến năm 2012, hết thời hạn bảo vệ được hưởng tiền ngân sách nhà nước, diện tích trên được BQLDA tiếp tục ký hợp đồng để 13 hộ bảo vệ và hưởng lợi theo Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 138/2004 của UBND tỉnh. “Sau khi khai thác, chúng tôi được chia 70% lợi nhuận. Cứ ngỡ mình sắp bỏ túi được ít tiền sau 8 năm cần mẫn chăm sóc, phát dọn rừng. Vậy mà…”, nhóm trưởng Phạm Hồng Thái bỏ lửng câu nói.
Người dân bức xúc
Vụ hỏa hoạn xảy ra vào ngày 24.7.2012 nhưng không hiểu sao mãi đến ngày 17.8.2012, các ngành chức năng huyện Đức Phổ mới tiến hành khám nghiệm hiện trường; rồi đến hơn 1 năm sau mới cho phép người dân tận thu, trồng mới. Điều này khiến những hộ có rừng bị cháy như ông Phạm Hồng Thái bức xúc vì “nếu cho dọn sớm thì số cây bị cháy xém, khói un đâu đến nỗi mục nát thành củi, bán không ai mua”.
Đã thế, xuất phát điểm cháy đã được UBND xã Phổ Khánh, Hạt kiểm lâm Đức Phổ xác nhận là từ rừng của ông Lê Trọng Thu khi những người dọn đốt thực bì ở đây bất cẩn gây nên. Vậy nhưng trong công văn trả lời Phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ ngày 24.3.3014, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Phổ cho rằng: “Trong quá trình điều tra, do đã hết thời hạn điều tra mà chưa có kết quả giám định thiệt hại về rừng do bị cháy nên ngày 17.4.2013, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Phổ đã tạm đình chỉ điều tra vụ án. Mặt khác, những người thực hiện việc dọn đốt rẫy là người dân tộc thiểu số, lao động tự do, tụ tập ở ven đường đoạn Km7 - Quốc lộ 24 được chủ rừng thuê (không xác định nhân thân, địa chỉ cụ thể). Do đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Phổ chưa xác định được người thực hiện hành vi”.
Câu trả lời này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía người dân, BQLDA lẫn chính quyền. Bởi theo Giám đốc BQLDA Trần Thanh Hoà, thì: “Sau khi đám cháy tắt, chúng tôi đã mời Trung tâm tư vấn NN&PTNT Quảng Ngãi tiến hành đo đạc, xác định vị trí và có báo cáo chi tiết kết quả thiệt hại vào ngày 16.8.2012”. Còn ông Trần Đức Thọ - Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh cũng bảo rằng: “Người dân rất thông cảm cho chủ rừng là ông Thu vì đây là xui rủi ngoài mong muốn. Giả như không biết chỗ ở của những người đã thuê làm thì ông Thu cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ một phần chi phí khắc phục thiệt hại cho bà con. Nhưng đã gần 2 năm nay, ổng vẫn im lặng”.
Trao đổi vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em khẳng định “sẽ khẩn trương kiểm tra và chỉ đạo các ngành liên quan xử lý rõ ràng, rốt ráo. Tùy mức độ vi phạm của những cá nhân liên quan mà quyết định khởi tố hình sự hoặc xử lý hành chính để không tạo tiền lệ xấu về việc phòng cháy, chữa cháy rừng, cũng như dư luận không tốt trong nhân dân”.
Bài, ảnh: MỸ HOA