Sống cơ cực ở vùng tái định cư hồ Nước Trong

10:06, 30/06/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Không nước sinh hoạt, không đất sản xuất. Đó là tình cảnh cơ cực của các hộ dân sống tại các khu tái định cư hồ chứa nước (TĐC HCN) Nước Trong.
 
Đã 3 năm trôi qua, kể từ lúc người dân nhường nhà cửa, ruộng vườn của mình để xây dựng công trình HCN Nước Trong - dự án lớn nhất và kéo dài nhất tỉnh Quảng Ngãi, mọi thứ đối với người dân vẫn không có gì thay đổi. Họ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nước, đất sản xuất.
 
Khát nước, “khát” ruộng
 
Các thôn Suối Y 2, Sờ Lác, Bắc Nguyên 2 ở xã Trà Thọ (Tây Trà) nằm xa tít, toàn đường rừng quanh co heo hút. Ngày nắng còn đi lại được chứ một cơn mưa dông trút xuống người đi đường chỉ có nước khóc vì lầy lội. 
 
Họ không có đất để sản xuất, cuộc sống hàng trăm gia đình rơi vào cảnh khốn khó. Chị Hồ Thị Dương ở Khu TĐC Suối Y 2 trong nhà nhìn ngó ra rừng than vãn: “Ruộng đã khai hoang xong mà sao lâu quá không thấy cho mình làm? Chưa có đất sản xuất, 7 người trong nhà không biết làm gì ở đây cả”.
 
Hàng xóm của chị Dương, ông Hồ Minh Trí ở Khu TĐC Suối Y 2 cũng buồn rầu: “Ngày trước, gia đình tôi có tới gần 16.000m2 để trồng rừng, trồng lúa nước, trồng mì cộng với chăn nuôi… nên cuộc sống gia đình cũng có của ăn của để. Nhưng từ khi chuyển đến đây, không ruộng sản xuất, mấy đồng tiền đền bù ăn hoài cũng hết”.

 

Ruộng đã khai hoang xong, nhưng vẫn chưa chia cho dân sản xuất.
Ruộng đã khai hoang xong, nhưng vẫn chưa chia cho dân sản xuất.
 
Không chỉ “khát” ruộng sản xuất, người dân phải chịu cảnh khó khăn trăm bề do thiếu nước sinh hoạt. Trước nhà ông Trí có công trình nước sạch thật to đã xây xong, nhưng chẳng có giọt nước nào. 
 
Gia đình ông Trí chỉ lót gạch nền nhà cả tháng vẫn chưa xong bởi không có nước trộn hồ. Thợ xây thuê từ xuôi lên mỗi ngày trả hơn 200 nghìn đồng mà suốt ngày chỉ ngồi chờ nước. Chờ cả mấy ngày mới tích góp được tí nước xây được mấy chục viên gạch. 
 
“Bể chứa nước to vậy mà không có nước thì xây để làm gì. Chúng tôi mong nhà thầu cho chúng tôi đường ống chúng tôi sẽ tự tìm nước bắt về sinh hoạt chứ không kiểu này dân chết khát mất thôi”- ông Trí bộc bạch.
 
Không chỉ thiếu đất sản xuất, thiếu nước, các hộ dân cũng rất bức xúc vì diện tích tái định cư quá chật hẹp. Hầu hết mỗi nhà được 200-250m2, ở lại sát nhau, thiếu đất vườn nên làm chuồng trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường.
 
12 hộ dân trong lòng hồ từ mực nước dâng bình thường đến mực nước dâng gia cường vẫn chưa được xây dựng nhà ở. Các hộ đang ở tá túc nhà bà con, hàng xóm.
 
Theo Ban quản lý Dự án hợp phần di dân TĐC HCN Nước Trong, theo kế hoạch, tất cả 6 công trình thủy lợi, 12ha ruộng bàn giao cho dân sử dụng, canh tác, nhưng do UBND hai huyện Tây Trà và Sơn Hà cũng như các nhà thầu chậm hoàn thành vì thiếu vốn nên chưa thể bàn giao cho dân.
 
Chủ đầu tư thiếu kiểm tra, đôn đốc
 
Theo kế hoạch, Dự án sẽ về đích trong năm 2014, tuy nhiên đến thời điểm này, công tác tái định cư, tái định canh để đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất cho các hộ dân di dời vẫn ngổn ngang nỗi lo.
 
Ngày 27.8, qua kiểm tra tiến độ thực tế tại hiện trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cho rằng bên cạnh nguyên nhân khó khăn về vốn thì chủ đầu tư là Sở NN&PTNT thiếu kiểm tra, đôn đốc nên khiến dự án kéo dài và có khả năng không hoàn thành đúng tiến độ.

 

Chị Dương bức xúc kiến nghị với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ.
Chị Dương bức xúc kiến nghị với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện khối lượng, đảm bảo cơ bản hoàn thành trước mùa mưa lũ.
 
Sở NN&PTNT phải chỉ đạo các đơn vị thi công lập tức sửa chữa lại các công trình nước sinh hoạt để bàn giao cho dân sử dụng. Về địa phương, phải quản lý vận hành các công trình nước sinh hoạt hiệu quả, phân công người quản lý, nạo vét, khơi thông dòng chảy để công trình phát huy hiệu quả.
 
Trong điều kiện đất ở Khu TĐC chật hẹp, việc chăn nuôi bò không phù hợp vì gây ô nhiễm môi trường, địa phương cần tôn trọng ý kiến của dân, không máy móc áp đặt. Cho dân chọn cây gì, con gì phù hợp với điều kiện thời tiết, địa hình ở đây, có thể chuyển từ bò sang heo, để việc hỗ trợ có hiệu quả, tạo thu nhập cho người dân.
 
Việc giao đất thực hiện theo kiểu cuốn chiếu, xong khu nào lập tức tiến hành giao đất khu đó để dân có đất sản xuất. Cần thiết phải xây dựng chương trình khuyến nông, hỗ trợ kỹ thuật. Nếu không đất đai cằn cỗi, người dân sẽ không biết canh tác cây gì.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 
 

.