Người mẹ của hai đứa trẻ mồ côi

10:06, 10/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hai đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa đã được bà dang rộng vòng tay đón về chăm sóc, nuôi dưỡng cho ăn học mà không một chút nề hà, tính toán. Để giờ bà vừa là mẹ, là bạn, là người thân duy nhất của hai đứa trẻ mồ côi ấy. Người phụ nữ đó tên Đinh Thị Ghim (60 tuổi), ở khu dân cư Nước Đốp, thôn Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây).

Chuyện đứa trẻ có hộ khẩu tỉnh Kon Tum

Con đường đất dẫn từ tuyến giao thông huyết mạch Trường Sơn Đông, về khu dân cư Nước Đốp vốn thẳng lối nhưng giờ đã “gãy nhịp” do thủy điện Đắkđrinh tích nước. Phải mất thêm một quãng đường đò ngang hơn 20 phút lênh đênh giữa lòng hồ thăm thẳm, chúng tôi mới đặt chân lên Nước Đốp. Câu chuyện về cô bé mồ côi mà tôi nghe được dọc đường trong một lần về Sơn Tây khiến tôi càng tò mò hơn.

Bà Đinh Thị Ghim  bên hai đứa con bà đỡ đầu nuôi dưỡng.
Bà Đinh Thị Ghim bên hai đứa con bà đỡ đầu nuôi dưỡng.


Vừa bước chân xuống khỏi chiếc ghe nhỏ, già làng Đinh Văn Thương, bảo: “Cháu bé ấy tội lắm, mồ côi cả cha lẫn mẹ, may có bà ấy nhận về nuôi chứ không thì giờ chẳng biết sống chết ra sao nữa!”. Nói rồi ông dẫn chúng tôi đi sâu về phía làng. Phía bên trong ngôi nhà, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là cảnh bà Ghim đang dùng chiếc lược chải đầu cho “con”.

Thấy người lạ, bé Thin vội chạy ra phía sau lưng bà Ghim như đang cần một sự chở che của người mẹ. Câu chuyện về cháu bé mồ côi Đinh Thị Thin được bà Ghim kể lại như câu chuyện cổ tích giữa rừng già. Đó là trong một lần đi rẫy, khi mặt trời đã quá đầu người bà chuẩn bị dọn đồ trở về thì nghe phía dưới con đường mòn những bước chân đi thật chậm, tiếng khóc thút thít phát ra và lâu lâu là giọng nói mỏng manh, yếu ớt vọng lại: Mẹ ơi, mẹ ơi…  “Lúc tôi đến nơi thì thấy cháu ấy nằm ngất lịm dưới tán cây rừng. Tôi đánh thức cháu dậy, đưa nước cho cháu uống. Khi ấy, không hiểu sao tôi thấy thật đồng cảm, y như rằng có một sợi dây vô hình nào đó đã buộc tôi và cháu bé ấy lại vậy” – bà Ghim tâm sự.

Rồi bà đưa cháu về nhà tắm rửa, cho ăn uống và hỏi chuyện cháu bé, hỏi thêm bà con lối xóm và chính quyền thôn mới biết được cháu ở xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. “Cha cháu là người Ca Dong ở Sơn Tây, lấy vợ bên Kon Tum rồi chuyển hộ khẩu sang đó. Giữa năm 2013, mẹ cháu qua đời do bệnh tật. Cháu ở với cha một thời gian thì người cha bị tâm thần bỏ nhà đi biền biệt. Hàng xóm thấy vậy đưa Thin sang nhà một người thân ở. Nhưng sau Tết vừa rồi người đỡ đầu cho cháu cũng qua đời” – bà Ghim kể.

Thương đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa, bà Ghim bàn với gia đình nhận cháu Thin về nuôi và xem cháu như con trong nhà. Bà còn đến trường học tạm ở thôn xin thầy cô giáo cho cháu đến trường như bạn bè cùng trang lứa dù cháu Thin không có một giấy tờ tùy thân nào. Bà Ghim thổ lộ: “Điều tôi mong nhất lúc này là làm sao nhập hộ khẩu và làm giấy khai sinh cho cháu để cháu Thin được vào lớp học chính thức. Giờ cháu chỉ đi học cho biết chữ chứ không được lên lớp như các bạn khác, vì không có giấy khai sinh. Cháu mồ côi, thiếu tình thương cha mẹ đã thiệt thòi lắm rồi…”

Tấm lòng cao thượng

Không chỉ tự nguyện nhận cháu Thin về nuôi nấng, chăm sóc mà trước đó, bà Ghim cũng “bỗng dưng” trở thành “mẹ” của đứa cháu nội mồ côi Đinh Thị Nhân. Cha cháu Nhân qua đời do bị bệnh. Thời gian sau mẹ cháu bỏ nhà đi và đến nay đã hơn một năm nhưng không có một tin tức gì. “Từ ngày có thêm hai đứa cháu này nhà tôi thấy vui hẳn lên. Mỗi ngày đi làm về thấy chúng vui đùa hoặc nằm ngủ tôi thấy hạnh phúc lắm! Tôi xem hai cháu như con mình vậy. Thêm hai đứa con là phải thêm làm lụng, thêm cày cuốc kiếm gạo nuôi chúng. Dù có khổ hơn, có vất vả hơn nhưng tôi thấy thật hạnh phúc !” – bà Ghim tâm sự.

Không chỉ “đóng vai” là người mẹ hiền chăm sóc, che chở cho hai cháu bé mồ côi, mà bà Ghim còn là người bạn chia sẻ vui buồn với hai cháu. Có những đêm, bà con hàng xóm lại nghe tiếng gọi mẹ, gọi ba thổn thức của hai cháu bé và tiếng dỗ dành của bà Đinh Thị Ghim… “Các cháu còn nhỏ mà phải chịu nhiều thiệt thòi nên tôi còn sống được ngày nào thì cố gắng chăm sóc cho chúng thật tốt ngày đó. Có nằm và nghe tiếng trẻ thơ gọi mẹ, gọi cha trong giấc ngủ mới thấy đáng thương vô cùng” – bà Ghim xúc động.

“Cô ấy là một người tốt, có tấm lòng cao thượng. Dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nhưng cô ấy vẫn dang rộng vòng tay che chở cho những phận đời bất hạnh" - chị Đinh Thị Thu, hàng xóm của bà Ghim nói.

Ông Lê Hoài Thạnh- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây cho biết, sẽ chỉ đạo Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Sơn Long làm các thủ tục để cháu Thin được học chính thức và lên lớp bình thường như các bạn khác. “Chúng ta làm đúng quy tắc thì trễ một năm học của cháu mất. Tôi sẽ chỉ đạo nhà trường đưa cháu Thin vào danh sách học sinh chính thức và sẽ hoàn tất các thủ tục sau” – ông Thạnh nói. Còn theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng, huyện sẽ chỉ đạo cho UBND xã Sơn Long, kiểm tra lại và làm giấy khai sinh cho cháu Thin để cháu không còn thiếu giấy tờ tùy thân.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.