(Báo Quảng Ngãi)- Người khuyết tật luôn gặp nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Vì vậy, việc được tiếp cận pháp luật bình đẳng như mọi người bình thường cũng là cách giúp người khuyết tật dễ dàng hòa nhập với xã hội. Do dó, hoạt động truyền thông về pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng này cũng được tỉnh đẩy mạnh, để giúp họ dễ dàng biết quyền được trợ giúp pháp lý của mình và tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí.
Quan tâm sâu sát
Hiện nay, phần lớn người khuyết tật trên địa bàn tỉnh sống ở nông thôn, gặp nhiều khó khăn, cần đến sự trợ giúp, hỗ trợ của Nhà nước và xã hội, nên ngoài việc thực hiện và bảo vệ quyền, nghĩa vụ như mọi công dân khác thì họ cần được bảo vệ các quyền và những ưu tiên dành riêng cho họ. Do đó, nhu cầu trợ giúp pháp lý và truyền thông pháp luật của người khuyết tật là rất lớn. Ngày 29.4.2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1692/KH-UBND triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh năm 2014.
Người khuyết tật rất cần được trợ giúp pháp lý để hòa nhập với xã hội. |
Theo đó, trong năm 2014, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục triển khai kịp thời và có hiệu quả các hoạt động như: Xây dựng nội dung trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trong các chuyên trang, chuyên mục chung về trợ giúp pháp lý trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi; in ấn, cấp phát tờ rơi, tờ gấp và sách pháp luật để cấp phát miễn phí cho người khuyết tật; khảo sát, đánh giá nhu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật; thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thông qua các hình thức: Tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng; tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động và hướng dẫn sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã, phường, thị trấn, các Hội người khuyết tật, cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh, các tổ chức khác của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Ông Bùi Phú Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp), nhìn nhận: Hệ thống pháp luật về người khuyết tật ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, cơ bản đã thể chế hoá được các chủ trương, chính sách của Đảng đối với người khuyết tật và có sự tương đồng với Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật.
Trong các quyền của người khuyết tật, quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí đã được khẳng định trong các văn bản pháp luật. Hoạt động trợ giúp pháp lý được tiến hành ở nhiều hình thức như tư vấn để nâng cao nhận thức pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp nói chung cũng như quyền, lợi ích hợp pháp đặc thù đối với người khuyết tật như: Quyền được chăm sóc sức khỏe (khám chữa bệnh, chỉnh hình, phục hồi chức năng), trợ cấp xã hội, được học tập, học nghề, tạo việc làm, tham gia các hội của người khuyết tật…
“Việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật được thực hiện tại trụ sở của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh hoặc tại cơ sở thông qua Chi nhánh của Trung tâm, qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý” - ông Vũ cho biết.
Và những thách thức
Thời gian qua, những đóng góp của công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến quyền của người khuyết tật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều người khuyết tật vẫn chưa thể tiếp cận các dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý. Trên thực tế cho thấy việc tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân rất hạn chế vì thiếu nguồn lực.
Vì vậy, để tăng cường hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, đòi hỏi phải đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật, theo hướng giải quyết thỏa đáng giữa việc quản lý nhà nước với vai trò tự quản của các tổ chức xã hội tham gia trợ giúp pháp lý.
Theo ông Bùi Phú Vũ, trong thời gian đến, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh sẽ tăng cường tập huấn cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, đặc biệt là cộng tác viên cấp xã về kiến thức pháp luật, cập nhật các văn bản pháp luật về chế độ, chính sách của người khuyết tật và kỹ năng trợ giúp pháp lý đặc thù cho người khuyết tật (kỹ năng nắm bắt tâm lý, giao tiếp, tiếp cận, sử dụng người phiên dịch), đạo đức nghề nghiệp (sự cảm thông, chia sẻ, tận tâm) vì đây là đối tượng có điều kiện tiếp cận với người khuyết tật và có thể là người được tìm đến đầu tiên khi người khuyết tật có yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Bài, ảnh: ĐÌNH NGUYÊN