Quy định xả nước thủy điện- Bộc lộ nhiều bất cập

03:04, 13/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tính đến nay Quảng Ngãi có 5 dự án thủy điện hoàn thành, nhưng chỉ có 2 thủy điện có hồ chứa thực hiện việc xả nước. Đó là thủy điện Nước Trong và thủy điện Đắkđrinh. Việc thực hiện xả nước cũng chỉ mới bắt đầu từ cuối năm 2013, nhưng đã xuất hiện nhiều bất cập, cần thiết phải phối hợp xử lý rốt ráo ngay từ bây giờ.

TIN LIÊN QUAN

Chính quyền bảo: Trở tay không kịp!

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 1.2014 đến nay, Thủy điện cấp I Đắkđrinh đã thực hiện nhiều đợt xả nước. Mỗi lần xả, thủy điện đều thông báo đến UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn, huyện Sơn Hà và Sơn Tây, các xã bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các thông báo xả lũ của thủy điện hầu như đều đến chậm trễ, thậm chí chỉ cách vài tiếng đồng hồ so với thời điểm xả nước.

Cụm công trình đầu mối thủy điện Nước Trong.
Cụm công trình đầu mối thủy điện Nước Trong.


Đơn cử ngày 23.1, Công ty CP Thủy điện Đắkđrinh thông báo xả nước lúc 11 giờ 40, nhưng huyện Sơn Hà nhận được Công văn thông báo vào lúc 10 giờ 10 phút, tức là cách thời điểm xả nước 1,5 tiếng đồng hồ. Ngày 25.1, Công ty thông báo xả lũ lúc 13 giờ nhưng 11 giờ 10 phút UBND huyện Sơn Hà mới nhận được công văn thông báo, tức là chỉ cách thời điểm xả chưa đến 2 giờ đồng hồ. Ngày 13.2, Công ty thông báo xả nước lúc 20 giờ, nhưng 15 giờ cùng ngày UBND huyện mới nhận được công văn thông báo của công ty…

Bà Đinh Thị Thanh Hường - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết:  “Địa bàn Sơn Hà rộng, chia cắt bởi nhiều sông, suối, đồi núi. Trong khi thời gian công ty thông báo so với thời điểm mà UBND huyện nhận được công văn của công ty là quá ngắn, không kịp để chính quyền thông báo đến tổ chức, cá nhân biết thực hiện đi lại qua sông, suối tránh thời điểm thủy điện xả nước nguy hiểm đến tính mạng, tài sản”.

Thủy điện một mực: “Đúng quy định”

Trước tình hình trên, ngày 28.2.2014, UBND huyện Sơn Hà đã có công văn đề nghị Công ty CP Thủy điện Đắkdrinh cần thông báo sớm hơn để huyện chủ động ứng phó. Ngày 7.3.2014, UBND huyện Sơn Hà nhận được Công văn trả lời số 224/DHC-KTTC của công ty. Theo đó, Công ty cho rằng việc điều tiết xả nước của Công ty trong thời gian qua là đúng Quy định vận hành hồ chứa thủy điện Đắkđrinh được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định 10314/QĐ-BCT ngày 31.12.2013 là “Thông báo trước 2 giờ”. Tuy nhiên, trong đợt xả nước các ngày 23.1 và 25.1, UBND huyện Sơn Hà nhận được thông báo xả nước của thủy điện ít hơn so với quy định “chuẩn” là “thông báo trước 2 giờ”.

Bà Đinh Thị Thanh Hường – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho rằng: “Thời gian quy định trước 2 giờ là quá ít, không đủ để huyện thông báo đến người dân ứng phó. Ngành chức năng của tỉnh cần đề nghị Bộ Công thương quy định phải thông báo trước ít nhất là 7 giờ và ngày đầu tiên xả nước không xả vào ban đêm, tránh thiệt hại về tính mạng của dân”.

Cần có những điều chỉnh kịp thời!

Hiện tại, việc xả lũ được thông báo bằng hiệu lệnh một hồi còi. Tuy nhiên, địa phận các xã vùng hạ du thủy điện Đắkđrinh cách xa nơi đặt còi báo hiệu. Vì vậy, người dân không thể nghe được hiệu lệnh còi, nên không thể chủ động di chuyển.

Vấn đề quan trọng khác là trong thông báo xả lũ của Thủy điện Đắkđrinh chỉ có thông tin về lượng xả tràn, không có thông tin về dự báo về mực nước dâng. Do đó, khi mùa lũ, việc xả nước kiểu “chung chung” này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh. Mặt khác tại khoản 2 Điều 7 Quyết định số 10314/QĐ-BCT quy định: “Trong trường hợp dự báo dòng lũ chảy về hồ Đắkđrinh tăng đột biến, nếu điều kiện hạ du cho phép thì được điều tiết xả lũ với lưu lượng lớn hơn lưu lượng đến hồ để hạ thấp mực nước hồ”. Quy định này lại “rơi” đúng vào thời điểm từ 1.9 đến 31.12 hằng năm – khi mà Quảng Ngãi đang là mùa lũ. Mực nước sông dâng cao. Nếu thực hiện quy định xả nói trên thì sẽ nguy hại khôn lường cho vùng hạ du. “Quy định về điều kiện hạ du cho phép cần phải cụ thể hóa, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra”, bà Đinh Thị Thanh Hường - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà kiến nghị.

Chuyện xả nước mùa khô hạn của thủy điện Đắkđrinh cũng còn nhiều việc phải bàn. Thủy điện thông báo xả nước nhưng lưu lượng, tốc độ nước xả, thời gian xả nước của thủy điện cơ quan nào kiểm soát? Khi đang cần nước cho hoa màu, thì thủy điện phải có trách nhiệm như thế nào để đáp ứng nhu cầu tối thiểu, tránh khô hạn, mất mùa?

Đối với thủy điện Nước Trong, thời gian đầu thực hiện việc xả nước đã gây cô lập cả trăm hộ dân vùng hạ du. Việc đi lại, vận chuyển nông sản đi tiêu thụ bị đình trệ. Nhiều hộ rơi vào cảnh thiếu ăn. Chính quyền đã kịp thời có kiến nghị thủy điện này xem xét điều chỉnh.

Hiện tại, những bất cập đã được tháo gỡ một phần, nhưng đó cũng chỉ là dựa trên “sự thông cảm”, chứ thực sự chưa có văn bản pháp luật nào ràng buộc. Việc này cần thiết phải được bàn bạc, xem xét, ban hành thành văn bản luật cụ thể để đảm bảo việc thực thi. Trong đó, cần tính đến sự hài hòa của lợi ích là tài sản, hoa màu, tính mạng của nhân dân với lợi ích của thủy điện. Không vì thủy điện mà gây khó cho dân, nhưng cũng không phải tất cả vì dân mà đẩy hoạt động thủy điện vào khốn đốn.  

 

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.