(Báo Quảng Ngãi)- Dù tham gia quân ngũ sau ngày thống nhất đất nước, nhưng với ý chí, nghị lực và phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, những cựu chiến binh xuất ngũ trong thời bình đang tiếp bước truyền thống cha anh tham gia vào mặt trận mới – mặt trận xoá đói giảm nghèo, làm giàu cho gia đình và quê hương.
“Vua bò” ở Phổ Nhơn
Với phẩm chất của người lính được rèn luyện trong quân ngũ, cựu chiến binh Phan Văn Bình, ở khu dân cư 14, thôn Nhơn Phước, xã Phổ Nhơn (Đức Phổ) đã lập nên nhiều “chiến công trên mặt trận xoá đói giảm nghèo” từ đôi bàn tay trắng. Xuất ngũ năm 1991, ông Bình trở về quê và lập gia đình. Những năm đầu của thập niên 1990, ông cùng vợ vào miền Nam lập nghiệp với mơ ước đổi đời, nhưng rồi cái nghèo vẫn đeo bám vợ chồng ông. Thế rồi, vợ chồng ông quyết định trở về quê tìm kế mưu sinh.
Ông Phan Văn Bình chăm sóc đàn bò có giá trị hàng trăm triệu đồng. |
Những ngày đầu về lại quê, ông bắt tay vào nuôi vịt. Sau nhiều năm gắn bó với đàn vịt, cuộc sống gia đình ông dần bớt khó khăn. Nhưng rồi, không bằng lòng với chuyện nuôi vịt, ông tận dụng ruộng vườn rộng rãi đầu tư nuôi bò lai. Năm 2007, ông bắt đầu thả nuôi 2 con bò giống lai và sau đó phát triển thành đàn bò. Để nâng cao hiệu quả từ nuôi bò, ông chuyển từ nuôi bò giống sinh sản sang nuôi bò vỗ béo. 5 năm trở lại đây, trong chuồng nhà ông luôn có hơn chục con bò xuất bán liên tục. Ông Bình cho biết, việc nuôi bò vỗ béo chỉ cần 8 - 10 tháng là xuất bán. Giá bán mỗi con bò thường trên 30 triệu đồng. Nuôi bò nhưng ông vẫn không quên nghề nuôi vịt gắn bó với ông từ thuở hàn vi. Hiện ông đang nuôi gần 1.000 con vịt đẻ trứng. Mỗi ngày cho thu nhập khoảng 500 ngàn đồng. Ngoài ra ông còn trồng hơn 13 sào lúa, 10 sào mía và gần 1 ha rừng bạch đàn. Nhờ đó, mỗi năm gia đình ông tích luỹ được 100 triệu đồng.
Cán bộ hội sản xuất giỏi
Cũng giống như ông Bình, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) Bùi Đình Nguyên cũng cần cù chịu khó để lập nghiệp từ bàn tay trắng sau ngày xuất ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông về tiếp tục học hết phổ thông, sau đó đi học kế toán và về làm cán bộ giao thông thủy lợi của xã. Để có tiền đi học, ông làm đủ nghề từ rửa xe máy, đến mua bán phế liệu, ve chai.
Phó Chủ tịch Hội CCB xã Tịnh Đông Bùi Đình Nguyên đi lên từ vườn ươm cây giống của mình. |
Với sự chịu khó và ham học, ông đã tốt nghiệp Đại học ngành nông lâm. Năm 2005, ông bắt đầu làm kinh tế với nghề ươm và bán keo giống. Từ mảnh vườn vài sào ở vùng đất đồi, ông ươm các loại cây giống như keo, lim, xà cừ… để cung cấp cho người dân địa phương trồng rừng. Công việc làm ăn dần thuận lợi, ông thuê đất và mở rộng vườn ươm đến nay là gần 10 sào đất để ươm cây giống. Mỗi năm ông ươm và bán từ 1 – 1,3 triệu giống cây các loại. Cơ sở của ông đã giải quyết việc làm thường xuyên cho gần chục lao động địa phương. Ngoài ra, ông vẫn còn giữ cái nghề buôn bán phế liệu cũng góp thêm một phần thu nhập cho gia đình. Mỗi năm gia đình ông đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí, còn dư khoảng vài trăm triệu đồng.
Chia sẻ về thành công của mình, ông Nguyên cho biết, may mắn được đào tạo, rèn luyện trong môi trường quân ngũ nên mình học được đức tính cần cù, chịu khó và kỷ luật nên mình không ngại khó, ngại khổ để lập thân, lập nghiệp. Cha mẹ ông đều là thương binh nên không đủ sức để lao động, ông phải đảm nhận nhiệm mọi công việc, vừa giúp đỡ gia đình vừa tạo lập kinh tế cho bản thân. Bản thân ông cùng bị thương tật mất sức lao động vĩnh viễn 35% trong thời gian phục vụ trong quân ngũ. Cuối năm 2013 vừa qua, ông được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội CCB của xã.
Bài, ảnh: X. THIÊN