Người Mường trên đất quế Trà Bồng

08:04, 21/04/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Trà Bồng là mảnh đất cộng cư hội tụ nhiều dân tộc anh em sinh sống. Cùng với nhiều dân tộc Kinh, Cor, Hrê... người Mường trên mảnh đất Trà Bồng cũng đang hòa mình vào cuộc sống tại nơi đây. Họ sống, sinh hoạt và cống hiến, coi đây là quê hương thứ 2 của mình.

TIN LIÊN QUAN


Chúng tôi vào nhà bà Quách Thị Sớp (74 tuổi) ở xã Trà Sơn (Trà Bồng)  đúng lúc bà đang chuẩn bị bữa trưa cho gia đình. Bà Sớp là một trong số những người đồng bào dân tộc Mường đang sinh sống tại huyện Trà Bồng. Biết chúng tôi tìm hiểu về người Mường sinh sống ở đây, bà Sớp mừng lắm, đôi mắt ánh lên niềm vui khi trò chuyện chúng tôi.

Kể về cơ duyên bà  đến và gắn bó với mảnh Trà Bồng, bà Sớp cho biết: Bà sinh ra và lớn lên tại một bản Mường thuộc xã Xuất Hóa, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) đến năm 19 tuổi bà phải lòng chàng trai dân tộc Cor ở huyện miền núi Trà Bồng là bộ đội tập kết ra Bắc. Theo tiếng gọi của con tim, bà Sớp kết hôn cùng chàng trai Cor và theo về sống tại xã Trà Sơn cho đến tận bây giờ.

Khi đặt chân đến sinh sống trên vùng đất quế, môi trường sống, phong tục tập quán thay đổi khiến bà Sớp rất khó khăn để thay đổi. "Điều tôi bận tâm nhất khi mới vào là trong cách ăn mặc sao cho phù hợp với cách sống tại đây, vì người Mường có phong tục con gái mặc váy, quấn khen trắng trên đầu và mang cườm xà tít ngang eo hằng ngày, mà trong đây thì không có nên mỗi lần mặc đi đâu đó thấy nhiều người xì xào, tôi rất ngại"- bà Sớp nhớ về những ngày mới đặt chân đến vùng đất quế.

 

Khi ranh rỗi bà Quách Thị Sớp lấy những bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình ra ngắm ngía cho đỡ nhớ
Khi rảnh rỗi bà Quách Thị Sớp lấy những bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình ra ngắm cho đỡ nhớ quê.


Sinh sống trên mảnh đất Trà Bồng trên 30 năm, nhưng bà vẫn giữ được những nét văn hóa rất riêng của mình. "Người Mường dù sống ở đâu thì cũng giữ cái nếp của mình" - bà Quách Thị Sớp nói với chúng tôi như thế. Rồi bà hát, lời hát bằng tiếng Mường của bà cho chúng tôi nghe. Hát xong, bà Sớp lấy những bộ quần áo đặc trưng của dân tộc Mường được bà xếp ngay ngắn trong tủ ra mặc cho chúng tôi xem. Niềm tự hào, hiện rõ trên khuôn mặt của bà khi khoác trên mình bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình.

Bà Sớp nói rằng, mặc dù những bộ trang phục ấy không phù hợp với mảnh đất này, song đây là nét đặc trưng riêng của dân tộc mình nên phụ nữ Mường đi đâu cũng mang theo bộ trang phục truyền thống. Mỗi khi có dịp về quê, hành trang của bà trong những chuyến trở về không bao giờ thiếu những bộ trang phục truyền thống bà đem từ quê nhà vào Trà Bồng. Dù bây giờ bà không mặc thường xuyên, song vài ba bữa lại mang ra mặc cho đỡ nhớ, dịp lễ, tết, bà đều đem ra mặc. Từ đó, giúp con, cháu “yêu” thêm trang phục của dân tộc.

 

Bà Quách Thị Sớp mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình
Bà Quách Thị Sớp mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.


Cũng là người phụ nữ dân tộc Mường theo chồng là dân tộc Cor di cư vào huyện Trà Bồng, bà Quách Thị Khoa gắn bó với mảnh đất Trà Bồng đã 30 năm nay và bà xem đây là quê hương thứ 2 của mình. Chúng tôi tình cờ gặp được bà khi ngồi bán rau ranh, ốc đá, món đặc sản của mảnh đất Trà Bồng trên đường.

Nhắc đến những khó khăn khi đặt chân đến vùng đất mới, bà Quách Thị Khoa ở xã Trà Sơn chia sẻ: Lúc mới vào, cuộc sống, kinh tế gia đình bà rất khó khăn. Nhưng rồi, với sự nỗ lực của vợ chồng bà, gia đình và nhất là sự cưu mang, đùm bọc của đồng bào các dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất này, vợ chồng bà đã vượt qua những gian nan buổi đầu. Đến giờ các con của bà đã lớn và đều thành đạt. Đấy là điều mà bà Khoa không khỏi tự hào khi nói về gia đình mình.

 

Bà Quách Thị Khoa bán đặc sản rau ranh, ốc đá của miền đất Trà Bồng
Bà Quách Thị Khoa bán đặc sản rau ranh, ốc đá của miền đất Trà Bồng


Qua tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn huyện Trà Bồng hiện có khoảng 50 đồng bào dân tộc Mường với khoảng 20 hộ sống xen kẽ với người Kinh, Cor... tập trung chủ yếu ở xã Trà Sơn và thị trấn Trà Xuân, tạo ra sự đa dạng trong văn hóa ở huyện miền núi Trà Bồng

Theo nhận định của lãnh đạo huyện Trà Bồng, sống trên đất quế, với những phong tục, tập quán của nhiều dân tộc khác nhau, song người Mường ở Trà Bồng đã biết hòa mình vào cuộc sống nơi đây, luôn sát cánh cùng với các dân tộc anh em, vừa phát huy sức mạnh của văn hóa truyền thống, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa của vùng đất mới để xây dựng một đời sống văn hóa phong phú, văn minh.


Bảo Ngọc
 


.