(Baoquangngai.vn)- Năm 2013, BHXH tỉnh Quảng Ngãi khởi kiện 11 doanh nghiệp có số nợ đọng BHXH lớn trong thời gian dài. Những tưởng, việc khởi kiện ra toà sẽ khiến các doanh nghiệp nhanh chóng đóng tiền, nhưng kết quả không hề như mong muốn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tính đến cuối tháng 3.2014, các doanh nghiệp, đơn vị ở Quảng Ngãi có nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội với số tiền gần 70 tỷ đồng. Trong đó, nợ đọng bảo hiểm xã hội là món nợ lớn nhưng lại khó đòi hơn cả, khiến cho ngành BHXH phải “đau đầu”.
Xảy ra việc nợ đọng bảo hiểm xã hội nhưng lại khó đòi là do, các doanh nghiệp biết rằng việc chiếm dụng quỹ BHXH dễ hơn nhiều so với việc làm các thủ tục để vay ngân hàng, thậm chí không cần giấy tờ, không cần thế chấp, không thẩm định... nên các doanh nghiệp đã tận dụng nguồn vốn này để đưa vào sản xuất, kinh doanh.
Cũng bởi theo quy định, khi doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên sẽ phải trả lãi bằng với lãi suất đầu tư của BHXH Việt Nam với mức khoảng 11,8%/năm. So với vay ngân hàng, thì mức lãi này vẫn còn "dễ chịu" hơn nhiều. Trong khi đó, quá trình đòi nợ còn nhiều chỗ chưa được thắt chặt, nên nợ đọng BHXH ngày càng lớn, doanh nghiệp vẫn cứ ung dung, còn quyền lợi người lao động theo đó bị “treo” theo nợ.
Năm 2013, Quảng Ngãi có 2.681 đơn vị, doanh nghiệp tham gia đóng BHXH bắt buộc, nhưng đã có đến cả nghìn đơn vị, doanh nghiệp mắc nợ. Trong đó, có hàng trăm doanh nghiệp có nợ đọng từ 2, 3 năm trở lên. Để răn đe những “con nợ” chay ì, BHXH tỉnh đã khởi kiện 11 doanh nghiệp ra tòa án. Tuy nhiên, kết quả lại càng thê thảm hơn.
Ông Phạm Văn Lệ- Trưởng phòng Thu, BHXH tỉnh cho biết: Đây là những doanh nghiệp nợ đọng khá lâu. Để khởi kiện được ra toà thì chúng tôi phải hoàn thành đáp ứng hồ sơ, thủ tục rất phức tạp. Nhưng để các doanh nghiệp chịu đi hầu tòa và hợp tác trả nợ lại là chuyện khá hiếm và không nằm trong tầm tay.
Điển hình như Công ty CP ly tâm Dung Quất có số nợ đọng từ năm 2010 đến nay là 1,9 tỷ đồng. Nhưng mỗi lần tòa án mời đại diện công ty đi xử lý theo đơn kiện của BHXH tỉnh thì, công ty này không đi hoặc cử nhân viên kế toán đi. Sau khi đại diện công ty đến nói vài câu chẳng ăn nhập thì tòa án đành “bó tay” lùi lại ngày xét xử. Cứ như vậy, món nợ tiền tỷ của người lao động vẫn bị “treo” không biết đến khi nào mới được giải quyết. Với những trường hợp này, BHXH tỉnh chỉ còn cách chờ kết quả từ tòa án.
Còn đối với các công ty chịu hầu tòa và chấp hành mức án tòa đưa ra thì lại có chiêu trò “hứa hẹn”. Lâm trường Trà Tân nợ BHXH số tiền hơn 700 triệu đồng, sau khi hầu toà hứa sẽ trả nợ trong 2 đợt. Đợt thứ nhất, sẽ trả nửa tiền trước ngày 31.12.2013. Nhưng đến nay đã là tháng 4.2014, mà số nợ hứa trả vẫn không thấy đâu.
Việc doanh nghiệp chây ì nợ BHXH đã ảnh hưởng đến lợi ích của hàng nghìn người lao động. Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ. |
Kết quả trong số 11 doanh nghiệp bị kiện có số nợ lên đến 7,79 tỷ đồng, thì đến thời điểm này, chỉ mới có 3 doanh nghiệp chịu đóng tiền nợ một phần, khoảng hơn 600 triệu đồng. Còn hơn 7 tỷ đồng tiền nợ còn lại, ngành BHXH vẫn không thể chắc chắn có thể đòi lại được hay không. Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm, hàng nghìn người lao động thuộc các doanh nghiệp này vẫn chưa được chốt sổ BHXH, chưa được thanh toán các khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp thai sản, ốm đau... theo quy định của pháp luật.
Mới đây, BHXH Việt Nam đã có văn bản yêu cầu BHXH các địa phương liệt kê danh sách các đơn vị, doanh nghiệp có hơn 100 lao động, nợ BHXH từ 6 tháng trở lên để báo cáo lên cấp trên. Quảng Ngãi cũng đã gửi 15 đơn vị, doanh nghiệp có số nợ lớn, khó đòi đề nghị thanh tra Chính phủ làm việc, giải quyết.
Trong khi đó, BHXH tỉnh Quảng Ngãi cũng lên kế hoạch ký liên tịch với Tòa án tỉnh để các thủ tục khởi kiện các doanh nghiệp nhanh chóng và hiệu quả. “Chúng tôi cũng hy vọng rằng sẽ có chế tài chặt chẽ hơn trong việc khởi kiện, thi hành án khiến cho các doanh nghiệp phải trả nợ BHXH. Chứ như hiện nay thì, kiện thì rất dễ, nhưng bản án đã được tòa đưa ra nhưng lại bị vô hiệu trước các con nợ chây ì”- ông Phạm Văn Lệ cho hay.
Nói là nợ BHXH nhưng thực chất những món nợ ấy đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, mà cơ quan BHXH chỉ là đơn vị trung gian. Điều nan giải đặt ra là dù đã có sự can thiệp của tòa án nhưng việc thu nợ cũng không hề đơn giản. Với cơ chế thu nợ như hiện nay thì rất khó để doanh nghiệp tự nguyện trả nợ.
Bài, ảnh: Thanh Phương