(Báo Quảng Ngãi)- Lúc 6 giờ sáng ngày 3.1.2014, chiếc tàu bị nạn ở Trường Sa 15 ngày đã được 2 tàu bạn đưa vào Sa Kỳ. Ngư dân chỉ vào 2 tàu cứu nạn và la lớn: “Ông Cư và ông Thanh 2 năm liên tục cứu người về quê ăn Tết”.
15 ngày vật vờ
Sáng 3.1, tàu ngư dân bị nạn đã vào đến đất liền. 42 ngư dân trên 3 con tàu đã vật lộn sóng gió suốt 15 ngày ở Trường Sa. Các ngư dân bị nạn kể lại, trước đó, vào lúc 9 giờ sáng ngày 22.12.2013, tàu QNg 90037 TS của ngư dân Tiêu Viết Thường đột ngột chết máy. Biển động cấp 9 nên con tàu bị sóng đánh sắp chìm.
Thuyền trưởng Trương Quang Thanh (bên trái): “Tôi rơi nước mắt khi chạy đi cứu các anh”. |
14 anh em ngư dân lao ra mũi ném chiếc dù bạt xuống biển. 10 phút sau chiếc tàu đảo hướng. 10 phút đó là thời gian sinh tử vì tàu nằm ngang lượn sóng. Tất cả ngư dân chặt can dầu để biến thành gàu tát nước. “Khi chiếc tàu từ từ đảo hướng theo dù, anh em tôi mới thấy con đường sống”, một ngư dân nhớ lại.
“Tàu 37 bị chìm…!”, thuyền trưởng Thường gào lên trong máy Icom. Ngư dân Bình Châu khi ra Trường Sa đều thống nhất đặt tần số Icom B10. Thông tin về “tàu chìm” lập tức lan nhanh đến mấy chục chiếc tàu trên biển.
Tàu QNg 95642 TS do ông Nguyễn Cư làm thuyền trưởng đang chạy cách tàu bị nạn 70 hải lý. Còn tàu QNg 95996 TS do Trương Quang Thanh làm thuyền trưởng chạy cách đó 60 hải lý. Các ngư dân thống nhất ai ở gần nhất thì đến cứu người. Nếu vượt 60 – 70 hải lý thì cũng phải mất khoảng 9 giờ đồng hồ. Thuyền trưởng Trương Quang Thanh kể lại “tôi rơi nước mắt nên đẩy hết ga cho tàu vượt sóng. Cứu anh em trước rồi có gì tính sau”.
Chiều tối 22.12, tàu của ông Nguyễn Cư đã áp đến tàu bị nạn. Ông Cư nhìn sang và lắc đầu khi thấy tàu bị nạn to hơn tàu mình nhưng vẫn đang bị sóng phủ trên nóc. Tàu ông Cư dài 17,2m, rộng 4,6m, cao 2,5m. Còn tàu bị nạn phần mũi cao gần 5m. “Gió cấp 8 giật cấp 9 mà mình kéo tàu có vỏ lớn quá sẽ rất khó khăn”, ông Cư cho biết.
Tàu do ngư dân Trương Quang Thanh làm thuyền trưởng cũng vừa cập đến hỗ trợ. Vậy là 3 tàu nối dây bắt đầu cuộc hành trình kéo dài 15 ngày. Đó là 15 ngày chạy vòng quanh trên biển để tìm đường vào bờ.
2 lần về Tết
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Đó là vào mùa biển cuối năm trước, tàu cá của ông Nguyễn Cư và Trương Quang Thanh cũng ra tay cứu tàu cá của ngư dân Trần Hòa. Chiếc tàu này khá nổi tiếng vì trôi nổi suốt 45 ngày trên biển. Khi đưa tàu bị nạn vào bờ thì Tết cũng cận kề. Còn phiên biển này, 2 tàu cứu nạn các ngư dân về quê cũng là lúc ngư dân gác chèo nghỉ Tết.
Đưa tàu bị nạn vào bờ. |
Chiếc tàu của ông Nguyễn Cư có công suất máy 380 mã lực, tàu của ông Thanh có công suất 409 mã lực. Vậy nhưng lúc vượt sóng, các ngư dân nhìn định vị và la lên: “Tàu dừng tại chỗ rồi giật lùi chứ có đi tới được hải lý nào đâu”. Biển động cấp 9 nên 3 con tàu dắt nhau chạy lòng vòng trên biển. Có lúc ngư dân phải xuôi sóng cho tàu đi ngược ra khơi trở lại. Đến khi yên gió thì lần hồi đi vào với tốc độ chỉ 1-2 hải lý/giờ.
Suốt chặng đường hành trình, dây kéo liên tục bị đứt. Các ngư dân phải cắt chiếc dù to hàng trăm mét vuông để biến thành đệm buộc vào mũi tàu cho dây đỡ rạn. Tai họa vẫn chưa phải đã hết. Rạng sáng ngày 3.1, sợi dây bung ra quấn vào chân vịt tàu của Trương Quang Thanh. Các ngư dân một phen chạy nháo nhào, vì nếu xử lý chậm thì tàu sẽ gãy cốt máy.
Thuyền trưởng tàu bị nạn là Tiêu Viết Thường kể lại: “Biển động cấp 9 nên trên tàu say sóng gần hết. Nhờ anh em nhiệt tình thì mới vô được đến bờ cho anh em ăn Tết”. Còn thuyền trưởng Trương Quang Thanh cho biết: “Tôi đi biển cứu nạn 4 lần rồi, đây là lần ác liệt nhất. Thấy anh em bị nạn, tôi rơi nước mắt nên đã cố gắng tới cùng”.
Bài, ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG