(Báo Quảng Ngãi)- Thôn Quế, xã Trà Bùi là vùng sâu vùng xa nhất của huyện Trà Bồng. Từ trung tâm xã Trà Bùi muốn đến thôn Quế phải đi vòng qua 3 huyện, 7 xã, 1 thị trấn mới có thể đến được. Vì vậy thôn Quế được ví như một ốc đảo dưới chân núi Cà Đam.
Ốc đảo gian khó
Chúng tôi về thôn Quế đúng vào dịp cán bộ UBND xã Trà Bùi về cấp keo giống theo Chương trình 30a cho người dân trong thôn. Theo đó, người dân thôn Quế sẽ được cấp 50 nghìn cây keo con. Tuy nhiên, xe chở keo chỉ có thể dừng lại ở đầu con đường rẽ vào thôn chứ không thể vào trong thôn vì đường quá xấu. Vậy là chuyến cấp keo cho người dân thôn Quế đành “lỡ hẹn”. Xe không vào được, còn người dân thôn Quế cũng không thể cõng số keo này về được vì đoạn đường đi bộ gần 6km. Ai “mạnh tay, bạo gan” mới có thể cưỡi trên xe máy, nhưng ở thôn Quế có 78 hộ thì đã có 70 hộ nghèo nên số người sắm được xe máy rất ít.
Học sinh thôn Quế phải đi bộ 23 cây số mới đến được trường học. |
Ở thôn Quế, nhà nhà đều dựa vào cây keo, cây quế, cây lúa. Thế nhưng, quế thì phải 10 năm, keo phải mất 5-7 năm mới thu hoạch được; lúa thì vụ mất nhiều hơn vụ được. Thế nên cuộc sống nhiều gia đình rơi vào cảnh thiếu hụt triền miên. Cả thôn cũng chỉ ít hộ nuôi được trâu bò, gà vịt nhưng chủ yếu chỉ để mừng lúa mới hay lễ Tết.
Bí thư Chi bộ thôn Hồ Văn Trung luôn băn khoăn không biết nên khuyên bà con dân làng trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp. Già Trung bảo: “Cái thung lũng này coi vậy mà khó sống lắm! Cây, con giống mới đưa về là chết sạch thôi! Nhiệt độ ở đây bao giờ cũng thấp hơn những nơi khác. Đặc biệt là mùa đông, trời lạnh lắm!”.
Đặc biệt, hai cơn bão số 10 và 11 trong năm đã làm hơn 50 ha lúa rẫy của đồng bào Cor nơi đây gần như bị mất trắng, khiến thôn Quế rơi vào cảnh đói “giáp hạt”. Hơn nữa, cả thôn chỉ có khoảng 3 ha ruộng lúa nước, nhưng đợt lũ lịch sử vừa qua cũng đã xóa sạch bờ ruộng, mương nước, khiến việc khắc phục của người dân càng trở nên cơ cực.
Khó khăn nhất là mỗi lần trong thôn có người bị bệnh nặng phải đưa đi bệnh viện. Những lúc như thế nhiều thanh niên trai tráng trong làng dùng võng khiêng người bệnh ra đường nhựa để đón xe thồ đưa đi cấp cứu.
Những cán bộ của thôn Quế muốn xuống xã họp thì phải đi bộ gần 6 cây số ra đường nhựa rồi đón xe thồ xuống xã. Mỗi lần đi họp như thế, cán bộ phải tốn 200 nghìn tiền xe thồ. Trưởng thôn Hồ Văn Lâm chia sẻ: “Đường sá đi lại cực quá nên cả tháng tôi mới xuống xã họp một lần. Những lúc khỏe, tôi đi đường rừng xuống. Băng đường rừng thì phải đi bộ 23 cây số, mất cả ngày trời vì đường quá xa lại khó đi. Giờ chỉ mong Nhà nước quan tâm, làm đường để người dân thôn Quế đỡ khổ”.
Gian nan đường đến trường
Là thôn xa nhất của huyện Trà Bồng nên thôn Quế được Chương trình “Tầm nhìn thế giới” tài trợ xây một ngôi trường vững chắc để con em trong thôn có điều kiện học hành. Thế nhưng, niềm vui ấy chưa trọn vẹn, bởi học hết lớp 3 các em đều phải xuống trung tâm xã Trà Bùi để tiếp tục theo học.
Hiện tại thôn Quế có trên 16 em học sinh từ lớp 4 đến lớp 9 đang theo học tại các trường tiểu học, THCS ở trung tâm xã Trà Bùi. Hầu hết các học sinh này đều thuộc diện hộ nghèo, nhà không có xe máy nên các em phải băng đường rừng để đến trường. Do điều kiện đi lại quá khó nên phải đến 2 hoặc 3 tháng các em mới rủ nhau băng rừng, lội suối về thăm nhà một lần.
Ông Võ Đình Tiến – Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bùi cho biết: Thôn Quế là một trong những thôn xa và khó khăn nhất của xã cũng như của huyện. Việc đi lại của người dân quá vất vả. Thương nhất là các em học sinh, phải đi bộ đến trường trên quãng đường rất xa. Tuy nhiên, là xã nghèo nên chúng tôi cũng đành bất lực. Vì vậy địa phương chỉ mong sao cấp trên quan tâm làm con đường để người dân thôn Quế đỡ khổ hơn.
337 người dân thôn Quế đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Cuộc sống ấy sẽ chẳng thể đổi thay nếu con đường dẫn về thôn Quế chưa được quan tâm đầu tư xây dựng.
Bài, ảnh: HỒNG HOA