(Báo Quảng Ngãi)- Cuối năm có lắm điều để lo. Điều đó trở nên trĩu nặng trên đôi vai người phụ nữ, nhất là những chị em phụ nữ nghèo ven biển. Họ tất bật chạy việc làm thêm với hy vọng sẽ có thêm ít đồng mua cho con bộ đồ mới để vui Tết cùng chúng bạn...
Những ngày cuối năm, cảng cá Bình Châu (Bình Sơn) tấp nập với những chuyến tàu khơi xa trở về. Trên các bến, hàng trăm lao động, chủ yếu là phụ nữ tất bật với việc chuyển cá lên bờ. Bắt đầu từ sáng sớm, khi những chiếc tàu ngoài khơi vào bờ, cũng là lúc hàng chục chiếc xe đông lạnh chờ sẵn tại các bến cá. Túc trực và làm nhiệm vụ chuyển cá từ tàu lên bờ, phân loại, cân đếm… ở mỗi cầu cá có một tổ phụ nữ khoảng 30 – 40 người.
Nhiều phụ nữ tranh thủ tìm việc ở các bến cá để có thêm thu nhập lo Tết |
Cá từ dưới hầm tàu được đưa ra ngoài. Những giỏ nhựa đựng cá được xếp thành hàng dài từ mạn tàu đến đuôi xe đông lạnh để làm băng chuyền. Hàng chục chị em sắp thành hàng dài ngồi dọc 2 bên băng chuyền và đẩy từng giỏ cá từ tàu đến xe như công đoạn dây chuyền sản xuất của một nhà máy. Trong quá trình vận chuyển cá, trước khi đưa lên xe thì phải đặt từng giỏ cá lên bàn cân. Cùng với đó là phân loại cá. Công việc cứ thế liên tục, hết tàu này đến tàu khác thay phiên nhau. Không như mùa biển êm, công việc vận chuyển cá thời điểm này có phần nhàn nhã hơn, bởi sản lượng cá về không nhiều, trong khi người làm thì đông. Những chiếc tàu cá chỉ cập vào bán cá chừng một giờ đồng hồ là vội vã tìm nơi neo đậu, nhường chỗ cho những tàu khác.
Công việc vận chuyển cá có vẻ đơn giản, nhưng lắm nỗi nhọc nhằn. Những ai không quen với mùi rất đặc trưng của làng biển thì thật khó để làm được công việc tưởng như dễ dàng này. Các loại cá nằm la liệt khắp bến, nước muối và đá lạnh chảy lênh láng cùng với mùi tanh nồng của cá rất khó chịu. Dù công việc này với chị em lao động đã quen, nhưng ai cũng phải trùm khẩu trang kín mặt mũi, chân đi ủng, mặc áo mưa… bởi mùi cá không dễ ngửi và nước muối, nước cá tươi dễ bám vào người.
Nghỉ giải lao trong lúc chờ tàu cá khác vào, chị Liên, một phụ nữ đứng tuổi tham gia công việc chuyển cá cho hay, nửa tháng nay, biển động, tàu ít ra khơi nên thu nhập của chị em cũng giảm theo. Một tấn cá chuyển lên bờ được trả tiền 320 ngàn đồng. Ngày thường thì một tổ vận chuyển khoảng 60 - 70 tấn cá. Còn thời điểm này, mỗi tàu chỉ có khoảng vài ba tấn, chỉ bằng một nửa của mùa biển êm.
Cá ít, nhưng chị em tham gia ngày càng đông vào cuối năm. Không chỉ có người địa phương lân cận mà còn nhiều phụ nữ các địa phương ở đồng bằng cũng đến đây tham gia công việc này. Chị Thanh quê ở Tịnh Hòa (Sơn Tịnh), kể: Ở quê có mấy sào ruộng, lại nuôi ba đứa con ăn học nên cuộc sống rất khó khăn. Chồng chị làm thợ hồ, chị phải ở nhà lo ruộng vườn. Thời điểm này khi đã sạ xong mấy sào lúa là chị đến đây xin làm để kiếm ít tiền về lo Tết. “Nếu không đi làm nghề này thì ở quê không biết làm gì cho ra tiền. Tết đến nơi rồi, xuống đây làm được đồng nào hay đồng đó chuẩn bị cho cái Tết”, chị Thanh nói trong lo lắng. Vì thu nhập eo hẹp nên nhiều người tranh thủ mua lại một ít cá mang đi các chợ quê để bán kiếm thêm tiền.
Ở vùng ven biển, đàn ông thì đi bạn, phụ nữ nghèo phải kiếm sống dựa vào nghề làm hậu cần cho các tàu cá. Ngoài việc vận chuyển cá lúc tàu vào bờ, thì khi tàu ra khơi, chị em lại tham gia khiêng đá lạnh, vận chuyển muối xuống tàu. Vì vậy, khi biển gió thuận lợi, cá đánh bắt được nhiều thì không chỉ những chủ tàu mừng mà hàng trăm lao động là phụ nữ nghèo cũng rất phấn khởi, bởi thu nhập của họ dựa vào những chuyến biển của ngư dân.
Trong cái lạnh buốt của gió biển cuối đông, hàng trăm phụ nữ tất bật với công việc của mình. Không khí rất rôm rả, nhưng dường như trong lòng ai cũng trĩu nặng nỗi lo khi cái Tết không còn xa nữa.
X.THIÊN – N. TRIỀU