Thu hồi nợ đọng BHXH: Chưa có giải pháp hữu hiệu

08:12, 07/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ ngày 10.10.2013, theo quy định tại Nghị định 95/2013 của Chính phủ về xử lý hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) với hành vi chậm đóng BHXH sẽ bị phạt tới 75 triệu đồng. Mặc dù mức phạt này đã tăng hơn so với mức cũ, song chưa đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp (DN).

TIN LIÊN QUAN

Theo BHXH tỉnh, tình trạng trốn đóng BHXH cho người lao động vẫn diễn ra nghiêm trọng, nhất là tại khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đến hết tháng 9.2013, tổng số tiền các đơn vị nợ BHXH trên địa bàn tỉnh hơn 62,8 tỷ đồng; nợ BHTN hơn 10,9 tỷ đồng. Bà Võ Thị Hồng- Giám đốc BHXH TP.Quảng Ngãi cho biết: Vừa qua, cơ quan BHXH thành phố đã kiên quyết khởi kiện ra toà 2 đơn vị, gồm Công ty TNHH Hoàng Vũ và Công CPXD&TM PLG. Đây là những doanh nghiệp nợ cơ quan BHXH với số tiền hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, TAND TP.Quảng Ngãi đã phải trả lại hồ sơ, không thụ lý vụ án đối với Công ty CPXD&TM PLG, bởi trước đó, năm 2011, doanh nghiệp này đã bị Thanh tra Sở LĐTB&XH ra quyết định xử phạt hành chính. Đến nay, đơn vị này vẫn chưa chấp hành nộp tiền phạt theo quy định.

“Trước vấn đề này, cơ quan BHXH không những không khởi kiện được doanh nghiệp mà về nguyên tắc phía Toà án không thụ lý vụ án. Chúng tôi mong phía thanh tra Sở LĐTB&XH kiên quyết thực thi các quyết định đã xử phạt hành chính trước đó. Nếu không có chế tài đủ mạnh, không những doanh nghiệp không chấp hành việc xử phạt mà còn tiếp diễn tình trạng nợ đọng, gây khó khăn cho công tác truy thu BHXH hiện nay”, bà Hồng cho hay.

Phân tích nguyên nhân xảy ra tình trạng nợ đọng BHXH trong thời gian qua, ông Phạm Văn Lệ- Trưởng Phòng thu BHXH tỉnh cho biết:  Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ BHXH hiện nay. Một là, do tình hình sản xuất, kinh doanh của DN gặp những khó khăn về vốn, sản phẩm không tiêu thụ được... Hai là, do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, một số đơn vị chiếm dụng tiền BHXH, BHYT để sử dụng vào việc khác; sự phối hợp giữa các cơ quan, ngành chức năng thiếu chặt chẽ, chưa áp dụng đầy đủ các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm…

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Nghị định 95/CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền với mức từ 12-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với các hành vi: Chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN; đóng BHXH bắt buộc, BHTN không đúng mức quy định; đóng BHXH, BHTN không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.

Ngoài khoản tiền nộp phạt, các trường hợp vi phạm còn bị buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, BHTN chưa đóng hoặc chậm đóng; đồng thời phải đóng thêm khoản tiền lãi của số tiền chưa đóng hoặc chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH. Có thể thấy, với Nghị định mới này, chế tài xử lý các đối tượng nợ đọng BHXH đã mạnh tay hơn. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp nợ đọng lên tới hàng tỷ đồng, thì mức phạt này chưa đủ sức răn đe.

Trước tình trạng nợ BHXH ngày càng gia tăng, các đơn vị BHXH trên địa bàn tỉnh buộc phải chọn cách kiện các DN ra tòa, nhưng vẫn vấp phải những  khó khăn trong quá trình  thu hồi nợ. Đó là chưa kể đến các doanh nghiệp bỏ trốn, giải thể, tạm ngừng kinh doanh thì càng khó đòi nợ hơn. Nếu không có giải pháp căn cơ trong việc thu nợ BHXH thì hàng nghìn người lao động tiếp tục chịu nhiều thiệt thòi.    
             

    P.V
 


.