(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, nhiều tuyến Quốc lộ (QL) và đường tỉnh (ĐT) đi qua địa bàn các huyện miền núi vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Do đó, ngành giao thông vận tải đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp để khắc phục các sự cố này.
Ngổn ngang đường miền núi
Theo thống kê của Sở GTVT, đến thời điểm này, các tuyến QL 24, QL 24B, QL 24C đã bị sạt lở ta luy dương ở 55 vị trí, với khối lượng khoảng 52.000m3; sạt lở ta luy âm làm thu hẹp nền mặt đường tại 15 vị trí; bong tróc, hư hỏng nền mặt đường hơn 12,5 km; 8 cầu, cống bị xói trôi, hư hỏng nặng; nhiều vị trí bị cây cối ngã đổ ra đường. Các tuyến đường tỉnh (ĐT) cũng bị sạt lở mái ta luy dương và ta luy âm khoảng hơn 83.000 m3 đất, đá, đặc biệt là các tuyến ĐT 622B, 623, 624B, 625 và ĐT 626; bong tróc, hư hỏng nền mặt đường hơn 49km; nhiều cầu, cống bị xói trôi, hư hỏng, nhất là cầu Suối Tó 1 (ĐT 623B), cầu Bến Thóc (ĐT 624B) và nhiều cầu, cống trên tuyến ĐT 625; hệ thống báo hiệu đường bộ bị hư hỏng...
Điểm sạt lở tại Km 10 trên Quốc lộ 24. |
Những ngày qua, Sở GTVT đã huy động lực lượng và máy móc, thiết bị trên địa bàn để từng bước đảm bảo thông xe trong thời gian nhanh nhất. Theo đó, đoạn Km 0 – Km 69 QL 24 (đoạn qua địa bàn Quảng Ngãi) đã thông xe ngày 17.11. Trước đó, đoạn này đã thông xe, nhưng khi nước rút thì cống bản tại Km 10 + 700 xuất hiện xói lở hàm ếch gây ách tắc giao thông. Hiện, mái ta luy dương tại Km 15 và đoạn từ Km 64 – Km 68 (đèo Viôlắc, huyện Ba Tơ) vẫn còn nguy cơ sạt lở khi trời mưa. Tuyến QL 24B đã thông xe vào ngày 17.11, nhưng tại Km 103 + 300 (đồi Hoàng Rấc) hiện vẫn còn nguy cơ sạt lở. Tương tự, đoạn Km 72 + 100 thuộc QL 24C vẫn đang bị ách tắc và vẫn còn nguy cơ sạt lở, các phương tiện phải lưu thông qua đường tránh tạm.
Các tuyến ĐT 621, 622C, 623, 623B, 623C, 624, 624B, 627B và ĐT 628 đã cơ bản thông xe sau khi nước rút và được lực lượng chức năng dọn dẹp đất, đá, bùn, rác… tràn ra mặt đường và thực hiện công tác vệ sinh mặt đường, mặt cầu cống. Tuyến đường tỉnh 622B và 624C đã thông xe bước 1. Tuyến ĐT 625 đã thông xe bước 1 đoạn Suối Loa – Ba Điền (Km 0 – Km 16) và đoạn Thanh An – Long Môn (Km 22 – Km 36); đoạn Long Môn- Sơn Kỳ (Km 36 – Km 54) và đoạn qua đèo Eo Chim (Km 16 – Km 22) là đường đất bị lầy lội, sạt lở đi lại rất khó khăn, ô tô không đi lại được. Tuyến ĐT 626 (dài 31,67 km) đã thông xe từ Km 0 – Km 22 (từ thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà đến xã Trà Thọ, huyện Tây Trà), đoạn còn lại đã thông xe bước 1 ngày 22.11.
Thiệt hại lớn
Theo ông Mai Văn Hà – Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng (Sở GTVT), tổng thiệt hại trên các tuyến QL 24, QL 24B và QL 24C khoảng 60 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí để dọn đất đá sạt lở tràn ngập mặt đường; xếp rọ đá mái ta luy âm nền đường và các cầu cống; chặt cây, phát dọn để đảm bảo giao thông bước 1... khoảng 7,2 tỷ đồng. Kinh phí để khắc phục khẩn cấp các hạng mục, như khôi phục nền mặt đường, làm lại hệ thống thoát nước ngang, rãnh thoát nước dọc, hệ thống báo hiệu đường bộ khoảng 50,4 tỷ đồng. Ngoài ra, kinh phí để kiên cố hóa các vị trí ta luy dương, ta luy âm có nguy cơ tiếp tục sạt lở khoảng 40 tỷ đồng. Các tuyến đường tỉnh thiệt hại khoảng 180 tỷ đồng, trong đó kinh phí để khắc phục khẩn cấp và đảm bảo giao thông bước 1 khoảng 98 tỷ đồng, kinh phí để kiên cố hóa các vị trí ta luy dương, ta luy âm có nguy cơ tiếp tục sạt lở khoảng 82 tỷ đồng.
Trước những thiệt hại quá lớn, Sở GTVT đã đề nghị Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét bố trí 57,6 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra trên các tuyến QL 24, QL 24B và QL 24C. Đối với các tuyến ĐT, Sở GTVT đề nghị UBND tỉnh bố trí 125 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại do mưa lũ; trong đó kinh phí khắc phục khẩn cấp và đảm bảo giao thông bước 1 là 63 tỷ đồng và kinh phí để kiên cố hóa các hạng mục công trình nhằm chống xói lở là 62 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở GTVT đã đề nghị UBND tỉnh kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương bố trí hỗ trợ kinh phí 55 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra trên các tuyến đường tỉnh.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU