Ngày 11-10, sau khi bão Nari (tên Hàn Quốc đặt, có nghĩa là hoa huệ) hình thành và ngày mạnh thêm thì phía sau, một cơn bão khác tên Wipha (do Thái Lan đề cử - tên của một phụ nữ trong truyền thuyết lịch sử) cũng đã xuất hiện trên khu vực phía đông Philippines.
Hai cơn bão cùng hình thành trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương - Nguồn: Cơ quan khí tượng Nhật Bản |
“Do khoảng cách hai cơn bão khá xa, hơn 2.200km nên tạm thời khả năng tương tác rất yếu. Tuy nhiên khi bão Nari qua đảo Luzon (Philippines) và quần đảo Hoàng Sa thì khoảng cách hai cơn bão sẽ được thu hẹp và tạo ra tình huống níu chân nhau trên biển”, ông Vũ Anh Tuấn - trưởng phòng dự báo hạn ngắn Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương nhận định.
So với bão Nari thì hiện bão Wipha yếu hơn. Bão Wipha có cường độ gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Trong khi đó hiện bão Nari hiện đã mạnh 12-13, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15.
Theo trang dự báo của Cơ quan khí tượng Nhật Bản, hiện tại hướng di chuyển hai cơn bão đều là hướng tây nhưng trong khi bão Wipha di chuyển chậm thì bão Nari di chuyển với vận tốc 15km/giờ. Tuy nhiên dự báo những ngày tới, hai cơn bão có diễn biến khác nhau. Bão Wipha di chuyển chủ yếu hướng tây tây bắc sau đổi hướng tây bắc. Còn bão Nari chủ yếu di chuyển theo hướng tây.
Theo ông Tuấn, sau khi qua đảo Luzon thì bão Nari sẽ giảm năng lượng cũng như tốc độ trước khi vào biển Đông (ngày 12-10), sau đó bão được tiếp năng lượng mạnh thêm, nhưng lại gặp “vật cản” là quần đảo Hoàng Sa. Trong khi đó bão Wipha trên tây bắc Thái Bình Dương sẽ mạnh lên và tăng tốc thu hẹp khoảng cách với bão Nari.
Khi hai cơn bão gần nhau thì sự tương tác sẽ lớn dần. Tuy vậy theo ông Tuấn, hiện giờ còn sớm để khẳng định hai cơn bão diễn biến đúng 100% như dự báo bởi vì diễn biến bão vẫn còn khả năng thay đổi.
Theo QUANG KHẢI/Tuổi trẻ