Căng thẳng tích nước, giữ hồ

08:10, 13/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh phục vụ nước tưới cho hàng nghìn hécta diện tích lúa, hoa màu  nhưng với tình trạng “không còn gì để hỏng” thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ vừa tích đủ nước, vừa bảo đảm an toàn vùng hạ lưu.

TIN LIÊN QUAN

Kiểu gì cũng lo

Trước khi bước vào mùa mưa, đại đa số các hồ chứa nước (HCN) đều trong tình trạng trơ đáy hoặc ở mực nước chết. Thế nên dù đón nhận nhiều trận mưa lớn nhưng dường như, chỗ nước ấy cũng chỉ đủ “giải khát” hồ sau thời gian dài chịu nóng. Tuy nhiên với kết cấu đất, nhất là phần thân đập chính và phụ đều đã rệu rã, xói lở nên kiểu “ngấm” nước từ từ như thế càng tăng mức độ nguy hiểm của HCN khi nó bắt đầu tích nước. Lý do, nắng nóng kéo dài khiến bề mặt đập và khu vực xung quanh lòng hồ bị nứt nẻ. Khi gặp nước, những vết nứt này dễ dàng làm thân đập bị nước thấm sâu hơn. Mức độ nguy hiểm vì thế cũng cao hơn.

 

Hồ chứa nước Đá Bàn đang đối mặt lớn với nguy cơ vỡ đập.
Hồ chứa nước Đá Bàn đang đối mặt lớn với nguy cơ vỡ đập.


Với đặc điểm này, việc tích nước của các HCN được dự báo là sẽ vô cùng khó khăn. Bởi nếu đảm bảo lượng nước phục vụ sản xuất, hậu họa sẽ khó lường vì HCN bị hư hỏng, không thể tích nước. Nhưng nếu không tích được số nước cần thì diện tích ruộng, hoa màu bị bỏ hoang hoặc phải chuyển sang cây trồng khác do “khát” sẽ tăng cao, chứ không dừng lại ở con số trên dưới 1.000 ha như vụ hè thu năm 2013. Thế nên, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng: “Tích nước thì lo, không tích thì khó. Kiểu gì cũng thiệt”. Theo ông Tô, toàn tỉnh hiện có 32/117 HCN đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Mà số HCN này đã, đang và sẽ phải đảm bảo nước tưới cho hàng nghìn hécta đất sản xuất nông nghiệp của các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức... Nhưng với tình trạng hồ chứa xuống cấp hiện giờ, chỉ có thể lo bảo đảm an toàn cho hồ, còn chuyện tích nước đã phải tạm gác.

An toàn là trên hết

Dù đã được nhắc đến nhiều lần, nhưng không thể không đề cập lại HCN Đá Bàn (Mộ Đức). Vì ngoài tình trạng “không còn gì để hỏng”, nó còn tọa lạc ngay trong lòng KDC, nên Sở NN&PTNT đã xếp nó vào diện “báo động đỏ”-cực kỳ nguy cấp. Đã thế hiện giờ, dung tích chứa của hồ này đã đạt hơn 60%, cao trình 19.35 và dự kiến chỉ còn 1m nữa, nước sẽ qua tràn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chiều rộng bờ đập phụ (cách nhà của 56 hộ dân ở KDC số 19, thôn 7, xã Đức Tân từ 70-100m) bị nước xói mòn, hiện chỉ còn chưa tới 2m và có nhiều điểm xói lở sau những trận mưa lớn vừa qua. Thế nên theo ông Lê Văn Nhàn, cán bộ Trạm Thủy nông số 5 Mộ Đức-người đang bám sát diễn biến của HCN Đá Bàn thì: “Hồ này giờ chẳng khác gì “quả bom”, ai cũng lo không biết nó sẽ nổ lúc nào”.

Trước nguy cơ này, ngay từ chiều ngày 3.10, chính quyền xã Đức Tân đã tổ chức họp dân thôn 7 để thống nhất phương án ứng phó; đồng thời vận động bà con gói ghém đồ đạc, tài sản, chuẩn bị nhu yếu phẩm, thuốc men để sẵn sàng… lên núi tránh lũ khi HCN xảy ra sự cố. Ngoài ra, đơn vị quản lý là Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi cũng đã tập kết phương tiện, máy móc, 1.000 bao tải và bạt phủ sẵn sàng ứng cứu.

Còn tại Bình Sơn-địa phương có số HCN lớn nhất tỉnh, với 57 hồ cũng đã ráo riết triển khai thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ.

Đối với đập thủy điện, đáng lo ngại nhất là Hà Nang khi mà nó được BCH PCLB&TKCN tỉnh dự báo là rất dễ xảy ra sự cố. Nguyên nhân, đường quản lý kết hợp cứu hộ cứu nạn bị sụt lún, hư hỏng lại có độ dốc lớn nên phương tiện cơ giới rất khó tiếp cận công trình để ứng cứu; chủ đập chưa quan tâm gia cố mái thượng lưu cũng như gắn thiết bị quan trắc phục vụ công tác dự báo tình hình đập, tràn xả lũ.

 


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.