(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm nay, người dân xóm Phú Lý (thôn 1, xã Nghĩa Thọ - Tư Nghĩa) phải chật vật sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt triền miên. Trong khi 37 hộ dân khu vực trên phải đi gánh từng can nước về uống, thì UBND xã Nghĩa Thọ lại chọn địa điểm này để xây dựng trường mầm non. Trường khang trang nhưng không có nước, khiến cô trò ở điểm trường cũ “e ngại” chưa muốn chuyển đến…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trường đẹp nhưng chưa đủ
Bước vào năm học mới, Trường mầm non Nghĩa Thọ tiếp nhận 94 học sinh chia làm 3 lớp. Trong khi đó điểm trường này chỉ có 2 phòng học nên nhiều học sinh phải chuyển ra học tạm trong căn phòng sau lưng trường. Căn phòng nhỏ không còn cửa sổ có “tuổi thọ” đã 17 năm là nơi học tập của hơn 20 em học sinh lớp mẫu giáo lớn. Phòng giáo viên thì được “tận dụng” từ… nhà kho cũ. Phòng ốc không đủ để giảng dạy, cơ sở vật chất còn lắm khó khăn nên cô trò Trường mầm non Nghĩa Thọ ai cũng mong muốn được về điểm trường mới. Tuy nhiên, khi điểm trường mới được xây dựng tại xóm Phú Lý thì cả giáo viên và phụ huynh đều e ngại. Bởi hàng chục năm nay, 37 hộ dân xóm Phú Lý đã tìm đủ mọi cách để khoan giếng nhưng đều chạm đá, hoặc có đào được giếng cũng không tìm được nước.
Cả xóm Phú Lý chỉ có giếng nước nhà ông Phạm Thết là có nước. Nhưng cứ đến mùa khô, thì lòng giếng lại trơ đáy nên các hộ gia đình nơi đây lại phải mang can nhựa đi lấy nước suối về dùng. Để giúp người dân thoát khỏi nỗi ám ảnh về nước sạch, đã có rất nhiều dự án nước sạch được thực thi như chương trình RUDEP (Chương trình phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi), Tổ chức Madison Quakers hỗ trợ xây giếng… Nhưng rồi đâu lại hoàn đấy, giếng sử dụng được một thời gian thì lại cạn nước.
Vì vậy, mặc dù trường mới được đầu tư 4 phòng học khang trang, kiên cố, còn trường cũ thì đã xuống cấp nhưng cô trò Trường mầm non Nghĩa Thọ vẫn trăn trở chưa muốn chuyển sang. “Còn khoảng 10 ngày nữa là trường mới chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa thăm dò được nguồn nước. Nếu không có nước, thì dù trường có khang trang thế nào, cô trò chúng tôi cũng không thể chuyển sang, vì làm sao các em có thể học khi không có nước?", cô Lê Thị Ánh Tuyết - Hiệu trưởng Trường mầm non Nghĩa Thọ cho biết.
Bài toán đất ở, nước sạch
Nhận được 300m2 đất theo Chương trình 134/CP của Chính phủ từ năm 2004, gia đình anh Phạm Chanh hăm hở chuyển nhà ra khu Phú Lý sinh sống. Ngỡ rằng khi chuyển ra mặt bằng nằm ngay khu vực trung tâm của xã, mọi sinh hoạt của gia đình sẽ thuận lợi hơn. Nhưng sống ở đây gần chục năm cũng là quãng thời gian gia đình anh phải tập quen dần với “điệp khúc” thiếu nước.
Trong khi anh Chanh đã nản lòng, thì 5 hộ dân đang sống trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở núi của xóm Đá Bàn và hơn 50 hộ dân mới tách hộ lại mong ngóng có đất để được định cư trong khu mặt bằng Phú Lý. Mặc dù người dân đã nhiều lần đề nghị, nhưng do không “kham” nổi kinh phí nên hiện tại địa phương mới chỉ san ủi được 1,3/5ha diện tích đã quy hoạch. “Sống ngay dưới chân núi nên gia đình tôi lúc nào cũng lo âu, nhất là vào mùa mưa bão. Dù biết xóm Phú Lý đang thiếu nước trầm trọng nhưng chúng tôi vẫn muốn có đất để chuyển ra ở. Thà vất vả mà an toàn còn hơn sống trong thấp thỏm”- ông Phạm Đồi, một trong số năm hộ dân xóm Đá Bàn bộc bạch.
“Trên địa bàn xã chỉ có khu vực xóm Phú Lý (thôn 1, Nghĩa Thọ) là đáp ứng được yêu cầu về mặt bằng. Vì vậy, UBND xã đã chọn địa điểm trên để quy hoạch, xây dựng trường mầm non và khu dân cư cho các hộ dân có nguyện vọng dời nhà, tách hộ. Tuy nhiên mặt bằng trên chỉ đáp ứng được diện tích, còn tình trạng khan hiếm nước thì địa phương vẫn đang tiến hành thăm dò, khắc phục”, ông Phạm Vương - Chủ tịch xã Nghĩa Thọ cho biết.
Trong khi chờ đợi mặt bằng thì các hộ dân có nhu cầu về đất ở lại tiếp tục “bấm bụng” sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở. Còn 28 hộ dân đã được “ưu tiên” chuyển về Phú Lý cùng thầy trò Trường mầm non Nghĩa Thọ thì vẫn loay hoay với bài toán nước sinh hoạt chưa có lời giải.
Bài, ảnh: Ý THU