Mùa mưa bão 2013: Hiểm nguy từ những con “đường keo”

01:09, 23/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cây keo đã đem lại nguồn thu nhập lớn, góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống người dân Quảng Ngãi, vì thế diện tích trồng keo trên địa bàn tỉnh không ngừng gia tăng. Keo trồng đến đâu, đường mở ra đến đấy để đưa keo xuống núi. Cũng chính từ đó xuất hiện nhiều hiểm nguy từ những con “đường keo” này.

TIN LIÊN QUAN


“Đường ống” dẫn lũ về nhà

Trong nhiều chuyến công tác vượt đồi, xuyên rừng tại các huyện miền núi, trung du của tỉnh dưới những cơn mưa lớn, chúng tôi đã chứng kiến cảnh tượng nước mưa theo những đường giao thông tự mở để chuyên chở keo tuôn chảy ào ào như thác. Bao rác rưởi, cây cối và kể cả đá cuội cũng bị dòng nước cuốn trôi. Quả thực, dưới mưa to, những con “đường keo” trông chẳng khác gì suối từ thượng nguồn đổ về. Với độ dốc cao, uốn lượn vòng vèo, “đường keo” chạy từ đỉnh xuống chân núi theo hình vòng xoáy trôn ốc, tạo nên áp lực lớn cho dòng chảy khi mưa to.

 

Con “đường keo” trên các quả đồi trọc tại xã Ba Giang (Ba Tơ) tiềm ẩn nguy cơ lũ quét trong mùa mưa bão. Ảnh: THANH NHỊ
Con “đường keo” trên các quả đồi trọc tại xã Ba Giang (Ba Tơ) tiềm ẩn nguy cơ lũ quét trong mùa mưa bão. Ảnh: THANH NHỊ


Ở miền núi, thường các khu dân cư lại “bám” theo sát các chân núi. Những con đường mà xe công nông, xe tải hạng trung chạy lại bắt nguồn từ các con đường chính dẫn đến khu dân cư để lên đồi cao. Mỗi mùa keo, đường lại được mở thêm ra, nhưng khi kết thúc vụ thu hoạch thì những con đường này lại không được san ủi, trả lại mặt bằng như trước. Tình trạng gia tăng “đường tự phát trên núi” mỗi ngày một nhiều, tiềm ẩn nguy cơ gây lũ ống “quét” các khu dân cư lân cận.

Theo thống kê chưa đầy đủ, mùa mưa hằng năm, trên địa bàn các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, Sơn Hà, Tây Trà đều xảy ra hiện tượng “lũ ống”, gây thiệt hại không nhỏ. Đặc biệt, mùa mưa năm 2011, tại thôn Giữa, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), đã xuất hiện lũ ống gây sụp đổ, hư hỏng nhiều nhà dân trong vùng. Nguyên nhân được xác định là do lượng mưa lớn đổ dồn về đường giao thông tự phát chuyên chở keo trong vùng, tạo nên vòng xoáy, tuôn thẳng xuống chân đồi, đẩy thẳng vào nhà dân. Tại huyện Tây Trà, những con “đường keo” cũng là “phương tiện” dẫn lượng nước mưa lớn đổ về làm hư hỏng nhiều công trình xây dựng, tắc nghẽn giao thông. Mùa mưa năm 2011, những cơn lũ ống đã khiến nhiều căn nhà ở khu dân cư xã Ba Bích xiêu vẹo, phải di dời dân ngay trong đêm.

Xóa “đường keo”

Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, trong đó không ít nguyên nhân bắt nguồn từ con người gây ra. Chuyện những con “đường keo” dẫn lũ về nhà là minh chứng. Những chủ phương tiện vận tải chuyên chở keo và cả những người chủ của rừng keo sau khi mở đường đã quên mất trách nhiệm phải san ủi trả lại mặt bằng. Người dân quanh vùng vì thế đã phải gánh chịu hậu quả mỗi khi có mưa to nước ầm ập đổ về. Ít nhất là xói mòn đất đai, đá cuội, cây gỗ theo nước đổ về “nằm lại” ngổn ngang trong vườn, trước ngõ, cản trở giao thông, sản xuất. Nhiều hơn thì làm sập nhà, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Năm 2013, từ tỉnh đến huyện, xã đều đã xác định các phương án sẵn sàng ứng cứu kịp thời, hiệu quả với bão lũ. Hàng loạt các giải pháp “tại chỗ” đã được bàn thảo, đưa vào triển khai thực hiện. Nhưng trong đó hầu như chưa có giải pháp “cắt” mối hiểm nguy từ những nguyên nhân có thể làm gia tăng mức độ phức tạp nếu có mưa lũ. Cụ thể ở đây là việc “xóa” đi những con “đường keo” đã mở ra nhưng sau khi hoàn thành việc khai thác keo vẫn chưa được san ủi, trả lại mặt bằng. “Chính quyền cần phải kiên quyết buộc những ai đã mở đường để vận chuyển keo phải san ủi trở lại, không thể để gây hiểm nguy cho tính mạng, tài sản của nhân dân quanh vùng” – già làng Đinh Văn Rin, thôn Gò Khôn, xã Ba Giang (Bơ Tơ) đề nghị.

Trong chuyến công tác về thôn Gò Khôn, đứng trên đỉnh núi Hoắc Loan nhìn sang các quả đồi trọc là vô số những con đường chằng chịt, đan xen. Chúng tôi cảm nhận rõ hơn nỗi lo của người dân về hiểm họa tiềm ẩn từ những con “đường keo” trong mùa mưa bão này.
    

THANH NHỊ
 


.